Theo báo cáo sơ kết kết quả kinh doanh năm 2022 được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và Hội nghị Người lao động năm 2023, lãnh đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – HoSE: OIL) cho biết năm 2022, doanh nghiệp đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh với 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với sản lượng tiêu thụ năm 2021.
Với sản lượng tiêu thụ kỷ lục này, nhà bán lẻ xăng dầu chiếm thị phần số 2 thị trường trong nước đã có năm đầu tiên ghi nhận doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch cả năm.
So với năm liền trước, mức doanh thu này của PV Oil cũng đã tăng xấp xỉ 73%. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao hồi đầu năm cũng như những biến động thị trường trong nước và quốc tế khiến lãi trước thuế hợp nhất nhà bán lẻ này thu về năm qua chỉ đạt 763 tỷ đồng, giảm tương ứng 18%. So với kế hoạch năm, mức lợi nhuận này vẫn cao hơn gấp rưỡi.
Với kết quả kinh doanh kể trên, tính riêng quý IV, doanh thu của PV Oil đạt 20.375 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 147 tỷ đồng. Dù đã có lãi trở lại sau khoản lỗ 371 tỷ đồng quý III liền trước, mức lãi trước thuế quý IV/2022 của PV Oil vẫn giảm 54% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu quý suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp.
|
Chứng khoán VNDirect nhận định năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Do đó, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil phải tăng nguồn hàng nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.
Sang năm 2023, VNDirect dự báo các doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2022 dựa vào 4 nguyên nhân. Thứ nhất, giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.
Thứ hai, vừa qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Thứ ba, các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11. VNDirect cho rằng, sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Cuối cùng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022 - 2030, là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn