Kinh tế

Thanh niên làng nghèo Thái Bình tậu xe mua nhà nhờ nghề lái container, cử nhân cũng bỏ phố về quê làm tài xế

Nhiều thanh niên vô công rồi nghề, thậm chí cả cử nhân thất nghiệp cũng bỏ thành phố về quê để hành nghề lái xe container. Nhưng với mức thu nhập cao đáng mơ ước của nhiều người, cánh lái xe cũng phải trả cái giá đắt và cám dỗ.

Đã hết cái thời khốn khó, cả làng không có một chiếc điện thoại smartphone hay xe máy đời mới, vài năm gần đây, một ngôi làng nghèo ở Thái Bình cũng đang thay da đổi thịt.

Không phải có nhiều người đi xuất khẩu lao động hay cả làng làm giám đốc, mà nhờ số tài xế xe container ngày một tăng đã giúp kinh tế nhiều gia đình khá lên trông thấy. Những ngôi nhà 3 tầng xây mới còn thơm mùi sơn, những chiếc xe 4 bánh bon bon trên đường làng với tần suất nhiều hơn.

Cử nhân đại học bỏ thành phố về quê lái xe container

Không thi đỗ đại học, gia đình thuần nông không dư dả về kinh tế, gần nhà lại chẳng có công ty xí nghiệp nên Vũ Văn Thành (Thái Bình) quyết định xin bố mẹ 5 triệu đồng đi học lái xe.

5 năm trước, lái xe tải bị coi là nghề mạt hạng lắm. Lái thuê cho công ty lương khoán cũng chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng, lại tiếng không tốt là trai trường lái. Khi ấy, những người như Thành chỉ có lựa chọn duy nhất, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cả đời thủy chung với cây lúa, được hay mất lại phụ thuộc hết vào ông trời.

Thế nhưng, thời thế đã thay đổi. Ngành vận tải phát triển hơn, nhiều công ty mới mở, trong khi tài xế ít dần đi, nghề lái container có thu nhập ngày một khá.

Ngoài mức lương 15 triệu đồng/tháng và các khoản phụ phí khác, Thành còn được công ty đóng cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Những khoản hỗ trợ tiền ăn đêm, cho đi du lịch và thưởng vào các ngày lễ, cuối năm lúc nào cũng đủ đầy.

Thành cho biết, những người có thâm niên 5-8 năm, lương cứng ở mức hơn 20 triệu đồng/tháng – mà nhiều cử nhân đại học cũng chẳng dám mơ.

Với mức thu nhập cao như thế, nhiều bạn bè của Thành cũng rủ nhau đi học lái. Anh cho biết, có người bạn tốt nghiệp đại học ở Hà Nội quẩn quanh 2 năm không xin được việc cũng bỏ về quê lái xe container.

Theo lời kể của Thành, ban đầu anh này chỉ lái thuê lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng nhờ các “mánh lới” trong nghề nên thu nhập thực cao gấp đôi. Sau 3 năm hành nghề, anh nghỉ công ty, rủ bạn góp vốn mua chiếc xe cũ 1,6 tỷ đồng lái chung. Sau vài năm đã xây được nhà lầu, sắm xe hơi.

Ở làng Thành, nhiều thanh niên thất nghiệp cũng đi học lái và phụ container để lấy thâm niên và nâng hạn FC. Vào những ngày lễ Tết, Trung thu, hội làng, chỉ đội “tài công” (tài xế lái xe container) đã tài trợ mấy trăm triệu đồng, cả làng ăn 3 bữa cỗ, đèn nháy, cờ hoa treo khắp đường.

Ảnh minh họa.

Trả giá bằng cái “dạ dày”

Sau 3 năm lái taxi thuê từ Bắc vào Nam, với đồng lương ít ỏi, trả tiền thuê nhà trên thành phố đắt đỏ, ăn uống bạn bè là hết sạch, anh Kiên cùng quê với anh Tuấn nghĩ cả đời chẳng xây nổi căn nhà đã nứt dột ở quê. Dịp Tết về thăm bố mẹ, thấy trong làng nhiều “tài công” thu nhập tốt, sắm cây kiểng bạc triệu, xe ga phóng vù vù nên anh quyết định ở quê tu chí làm ăn.

Chỉ sau 2 năm theo nghiệp ngồi sau vô lăng tải trọng, anh Kiên đã gom được chút vốn góp cổ phần với công ty. Ngoài mức thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng, anh Kiên chẳng mất một đồng thuê trọ mà còn được ăn hoa hồng và các phụ thu khác. Anh cho biết, chịu thương chịu khó “cày” nốt năm nay là anh có tiền xây nhà cho bố mẹ.

Tuy nhiên, với mức thu nhập hiện tại, những “tài công” như anh Kiên cũng phải trả giá cho những thứ uống hại dạ dày, nhiều khi là cả tính mạng.

Do chạy thuê cho công ty nên cánh “tài công” phải chạy liên tục để đủ số vòng quay mà chủ xe yêu cầu. Nếu tính lương khoán, thu nhập cao hơn nhiều nhưng thời gian ngồi xe cũng tăng lên bấy nhiêu.

Từ khi có quy định thắt chặt hệ thống xe container, chỉ một số tuyến đường nội thành cho phép xe tải nặng hoạt động cùng tăng cường trạm cân nên phần lớn cánh “tài công” ngủ ngày cày đêm. Anh Kiên cho biết, nhiều lộ trình chở hàng dài hàng trăm km nên đi về chưa được nghỉ ngơi, sáng hôm sau đã phải đi tiếp. Vì thế, việc tài xế thiếu ngủ là chuyện thường như cơm bữa.

Để kìm hãm cơm buồn ngủ, các lái xe phải nghĩ đủ cách. Làm bạn với nước tăng lực, chè khô, cà phê pha đặc và thuốc lá bất kể khi nào là cách đẩy lui cơn buồn ngủ. "Cứ 10 tài công thì có đến 9 anh bị bệnh dạ dày. Nhiều khi anh em trong nghề nói đùa phải bán cái dạ dày để kiếm tiền xây nhà, mua xe", anh Kiên cười nói.

Tuy nhiên, các thứ nước chẳng mấy tốt cho cơ thể nhiều khi cũng khó chiến thắng cơn buồn ngủ. Do đó, dù trời nóng hay lạnh, trong xe bao giờ cũng phải có thùng đá lạnh. Bất kể khi nào có hiện tượng buồn ngủ là lái xe phải lấy đá ốp lên mặt hoặc nhúng cả khăn mặt vào thùng đá rồi đắp lên đầu cho tỉnh để tiếp tục lái xe.


Gay hoặc men rượu và ma túy?

Chia sẻ về những góc khuất trong nghề lái, anh Tuấn cho biết, làm tài công thu nhập cao nhưng rất bạc. Cánh lái xe phải đủ bản lĩnh và chấp nhận sự thật bất cứ khi nào.

“Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã quá phổ biến khiến nhiều khi cánh tài công như chúng tôi không còn thấy sợ. Phần vì tài xế đi ẩu, ngủ gật; nhưng cũng nhiều trường hợp chất lượng hạ tầng giao thông quá kém như ổ gà, ổ voi hay lở đường; và cũng không ít lần là do số mệnh khi gặp ma men, phê thuốc hay cố tình lạng lách, đánh võng…”, anh Kiên chia sẻ.

Song với anh Kiên, điều đó chưa là gì khi cánh tài công rất nhiều cám dỗ. Chạy xe đường dài, 4 phương là nhà nên nhiều lái xe kết bạn với cờ bạc, rượu chè, nặng hơn là ma túy làm thú tiêu khiển. Mỗi điểm dừng chân là các tụ điểm của “tài công” và những cuộc sống không lành mạnh. Vì thế, nhiều khi cứ giả gay, giả bệnh để từ chối anh em đồng nghiệp những chốn không hay. Giữ được bản lĩnh, lập trường thì “tài công” thành người, mà mất kiểm soát thì hậu quả khôn lường.

Cũng vì thế, thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương hấp dẫn 15-20 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhưng vẫn đỏ mắt không ai đăng ký. Chưa bao giờ, nghề lái container lại như tôm tươi đến thế.

Tác giả bài viết: Hồng Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok