Theo đó, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Giáo dục Thanh Hóa từ trước tới nay luôn tự hào là điểm sáng của cả nước. Trong đó, chất lượng mũi nhọn luôn được duy trì giữ vững, là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, chất lượng đại trà luôn đạt mức khá. Tuy nhiên, các năm 2018, 2019, chất lượng đại trà giảm sút nghiêm trọng, Thanh Hóa lần lượt xếp thứ 49 và 46 trong 63 tỉnh thành về các môn thi.
Trước tình hình trên, ông Phạm Đăng Quyền yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT căn cứ kết quả điểm thi trung bình của kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Thanh Hóa năm 2018,2019 và các địa phương khác có điều kiện tương đồng như Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Nam Định và các địa phương có điều kiện khó khăn hơn như: Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Trị nhưng có điểm trung bình của kỳ thi THPT quốc gia cao hơn để phân tích làm rõ bản chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém về chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh so với các địa phương nêu trên.
Đồng thời, yêu cầu đánh giá kỹ có chiều sâu và chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm công tác quản lý, chỉ đạo của ngành đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT trong 3 năm từ năm 2017 đến năm 2019.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh Giám đốc Sở GD-ĐT khi phân tích đánh giá cần tập trung vào các vấn đề như: công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc dạy và học ở các trường TTHPT,trường THCS &THPT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; công tác xây dựng đội ngũ; công tác sắp xếp điều động, luân chuyển cán bộ giáo viên, nhân viên hành chính, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học… Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng trên.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí