Theo ông Xứng, mặc dù chưa vận hành thương mại chính thức song thời gian qua xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã phải gửi tại một số kho tại miền Trung. Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và thu ngân sách của tỉnh.
|
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp nhà máy này dù chưa vận hành thương mại nhưng đã đóng góp 14% vào giá trị sản xuất công nghiệp, các sản phẩm xăng A92 và A95 đã được sản xuất tại đây, đưa ra thị trường.
Với tiến độ vận hành hiện nay, tỉnh này cho biết trong tháng 8 hoặc tháng 9/2018 nhà máy này có thể vận hành thương mại và hai phương án sản phẩm xăng dầu tại nhà máy này sản xuất ra sẽ đạt là 4 triệu tấn và 4,3 triệu tấn.
Ông Xứng cho biết: Thời gian qua, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã vận hành ổn định dù chưa vận hành thương mại chính thức song Nhà máy này đã phải gửi xăng dầu tại một số kho tại miền Trung.
Để tạo điều kiện cho nhà máy lớn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.
Tháng 5/2018, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON 92. Đây là lô sản phẩm đầu tiên của dự án lọc dầu lớn nhất của Việt Nam khoảng 9 tỷ USD tính đến thời điểm hiện nay.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Hết 5 tháng qua, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, cả nước nhập hơn 5,7 triệu tấn xăng dầu các loại, kim ngạch đạt hơn 3,7 tỷ USD, lượng xăng dầu nhập khẩu đã tăng 13,8% và về giá trị đã tăng 38%. Hiện có 4 thị trường xuất khẩu xăng dầu thành phẩm lớn của Việt Nam là xăng dầu Malaysia 1,7 triệu tấn, kim ngạch 1 tỷ USD; xăng dầu Hàn Quốc 1,4 triệu tấn, kim ngạch hơn 990 triệu USD; xăng dầu Singapore với 1,2 triệu tấn, Trung Quốc hơn 640.000 tấn.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí