Trong tỉnh

Thanh Hóa: Xã “ưu ái” cho con rể PCT huyện múc đất trái phép

Để có đất san lấp mặt bằng, con rể ông Phạm Công Cúc (Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã được xã “ưu ái” cho múc trộm đất mang đi bán khiến người dân bức xúc.

Xã có quyền cho lấy đất đi bán?

Theo phản ánh của người dân xã Ngọc Khê, từ trước tết Âm lịch đến nay ở khu vực cách trụ sở UBND xã chừng 100 mét có rất nhiều xe ô tô và máy xúc vào lấy đất, phá nát cả cánh rừng nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.

“Xe chở đất chạy rầm rầm cả ngày, bụi bẩn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền xã, huyện không có động thái gì. Nguyên nhân do vị trí đang múc đất là của con rể ông Cúc - Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc nên không ai dám đụng đến”, một người dân thông tin.

Theo ghi nhận, cả một khu đồi luồng bị múc xới tung, nham nhở. Khi biết có phóng viên về làm việc, đơn vị này đã cho máy móc nghỉ hết, để lại vết đất cào còn mới tinh.

Quả đồi nát tươm vì doanh nghiệp múc đất bừa bãi. Ảnh: Nguyệt Chi

Trao đổi với PV, ông Phạm Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Khê thừa nhận, vị trí múc đất trên là do UBND xã cho Công ty TNHH xây dựng Bảo Minh khai thác.

Công ty này là của gia đình ông thông gia với ông Cúc – Phó chủ tịch UBND huyện, hiện công ty này đang giao cho con trai là anh Minh múc đất, anh Minh cũng là con rể ông Cúc.

Theo ông Dũng, trước đó UBND xã nhận được đơn xin hạ mặt bằng đất vườn và nhà ở của 5 hộ dân. Ngày 26/1/2018, UBND xã Ngọc Khê có công văn gửi UBND huyện về việc xin ý kiến chỉ đạo về việc các hộ dân xin hạ mặt bằng cải tạo đất, đồng thời để doanh nghiệp lấy đất san lấp ở khu vực thị trấn Ngọc Lặc.

“Xã cho doanh nghiệp lấy đất như vậy là đúng luật. Vì đây không phải khai thác mỏ mà là cải tạo đất để thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân miền núi. Do đó chúng tôi chỉ yêu cầu công ty trong quá trình múc, chở đất phải đảm bảo môi trường”, ông Dũng cho biết.

Con rể ông Cúc, Phó chủ tịch UBND huyện múc đất nát quả đồi trước gần cổng UBND xã. Ảnh: Nguyệt Chi

Khi được hỏi cấp nào cho phép lấy đất?, ông Dũng thản nhiên trả lời: “Không cần cấp nào cho phép cả. Đây là trường hợp phạm vi điều chỉnh của luật đất đai, không phải theo luật khoáng sản nên phạm vi xã cho phép. Anh Xứng (Chủ tịch UBND tỉnh) đã nói rồi, cái gì theo Luật thì cứ thế mà làm, không phải xin ý kiến gì hết?!”.

Huyện thừa nhận sai

Bà Trương Thị Hòa, Trưởng phòng TNMT huyện Ngọc Lặc cũng cho biết, việc xã cho doanh nghiệp hạ độ cao lấy đất đi san lấp là đúng luật.

“Tháng 9/2017, chúng tôi cũng có hỏi ý kiến Sở TNMT về việc huyện miền núi đất rất cao và dốc. Khi người dân có nhu cầu hạ độ cao thì phải làm sao. Doanh nghiệp lấy đất đó đi san lấp công trình phải đi xin dưới tỉnh thì rất lâu… chúng tôi phải làm thế nào?.

UBND xã có văn bản xin ý kiến huyện để cho Doanh nghiệp lấy đất trái quy định. Ảng: Nguyệt Chi

"Những vấn đề liên quan tới Luật Đất đai thì ta cứ thực hiện theo Luật Đất đai, nếu khai thác mỏ thì phải xin giấy phép. Vấn đề này là bất cập ở miền núi, tới đây chúng tôi nghiên cứu và tham mưu cho ủy ban tỉnh sẽ có hướng dẫn cho các huyện miền núi để xử lý cụ thể”, bà Hòa cho biết thêm.

Trưởng phòng TNMT cũng phân trần, chỉ vì anh Minh là con rể của anh Cúc - Phó chủ tịch huyện nên mới có ý kiến này nọ. Huyện, xã chẳng qua là tạo điều kiện cho các hộ gia đình có chỗ đổ đất, chứ thực chất không ai bảo kê việc này cả. “Nếu cơ quan có thẩm quyền nói chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và hình thức xử lý kỷ luật”, bà Hòa cho biết.

Ông Phạm Công Cúc, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc thừa nhận, Công ty Bảo Minh là của gia đình ông thông gia (giám đốc là ông Mai Văn Khánh), con rể ông đang làm cùng công ty này. “Quan điểm của chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho nhà thầu làm tốt trên địa bàn. Việc công ty Bảo Minh ký hợp đồng san lấp với nhà thầu như thế nào thì chúng tôi không biêt. Chúng tôi không tạo điều kiện cho công ty Bảo Minh lấy đất không đúng quy định mang đến san lấp. Việc này huyện đã cho đình chỉ và sẽ xử lý nghiêm”, ông Cúc nói.

Tuy nhiên, ông Cúc phân trần, trong điều kiện là huyện miền núi, mỏ không có. Những đơn vị san lấp muốn có đất thi công phải tận dụng vào các nhà dân hạ cốt nền. Trong trường hợp này cũng rất khó cho huyện!.

Ông Dũng, Chủ tịch xã Ngọc Khê cho biết “xã có quyền cho lấy đất đi san lấp”. Ảnh: Nguyệt Chi

Sở TNMT vào cuộc

Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng tài nguyên khoáng sản (Sở TNMT Thanh Hoá) cho biết, chưa nắm bắt được vấn đề trên. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận được thông tin, sẽ cho anh em kiểm tra làm rõ.

Liên quan tới việc Chủ tịch UBND xã, Trưởng phòng TNMT huyện Ngọc Lặc trả lời doanh nghiệp lấy đất đi san lấp là đúng luật, đúng theo hướng dẫn của Sở TNMT. Sở khẳng định câu trên là hoàn toàn không đúng.

“Tôi có hướng đẫn các đơn vị miền núi câu như chị Hoà trả lời với báo chí ở phần trên. Tuy nhiên, xã và phòng tài nguyên áp dụng lại không đúng. Theo Luật Đất đai, người ta có thể được cải tạo để tăng giá trị của đất, nhưng không được làm ảnh hưởng đến các vấn đề khác xung quanh. Ngược lại, đất đó mà được mang đi bán thì trở thành sản phẩm hàng hoá, nó lại là theo Luật Khoáng sản. Như vậy doanh nghiệp này trở đất đi bán là vi phạm.

Sau khi nắm bắt được thông tin, chúng tôi sẽ yêu cầu UBND huyện Ngọc Lặc cho dừng ngay lập tức, đồng thời sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở TNMT, UBND tỉnh và huyện xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm”, ông Hoành cho biết.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Nguyệt Chi

Nguồn tin: Báo Pháp luật plus

  Từ khóa: con rể PCT huyện , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok