Thầy và trò của Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) trong giờ sinh hoạt tại thư viện xanh. |
Giáo viên kêu khó
Theo Quyết định 861, nhiều xã của hai huyện Quan Hóa và Quan Sơn (Thanh Hóa) không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Do đó, GV ở những địa phương này cũng không được hưởng phụ cấp thu hút vùng và giảm hệ số phần trăm đứng lớp. Vì thế, thu nhập hàng tháng của GV giảm đáng kể.
Cô Ngân Thị Thướng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa), cho biết: Xã Tam Thanh vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên GV cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp. “Trước kia, trường có người hưởng lương và phụ cấp ở mức 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện lương và phụ cấp hàng tháng bị giảm xuống chỉ còn khoảng 6 triệu/tháng.
Từ khi bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp này, cuộc sống của nhiều gia đình GV gặp khó khăn. Bởi lẽ, nhiều người đang “cắm” sổ lương, vay tiền ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa sang nhà cửa... Hàng tháng, ngân hàng trừ vài triệu đồng tiền gốc và lãi vào lương. Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều cô nhận về số lương ít ỏi lắm”, cô Thướng chia sẻ.
Từ khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, thầy Trương Đức Văn - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ, huyện Quan Hóa cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn, chứ không riêng gì giáo viên. Trước kia, mỗi tháng lương và phụ cấp của thầy Văn là hơn 14,2 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay tổng thu nhập của thầy chỉ còn 10 triệu đồng.
“Trường có 3 cô giáo mới vào ngành. Trước kia, lương và phụ cấp của mỗi cô còn được 7,6 triệu đồng/tháng, nhưng bây giờ các cô chỉ còn 4,3 triệu đồng/tháng thôi. Nhiều GV có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nay bị cắt giảm lại càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, thực tế có nhiều GV phải dùng sổ lương vay ngân hàng rồi trừ tiền vay hàng tháng vào lương. Nay bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp nêu trên, cuộc sống của nhiều người quả là khó khăn, vất vả”, thầy Văn chia sẻ.
Giờ tan học ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Mong có chính sách hỗ trợ GV vùng khó
Bà Hà Thị Hương – Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho hay: Sau khi rà soát theo quy định, huyện Quan Hóa không còn xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng III). Do đó, 988 GV của địa phương cũng bị cắt giảm các khoản phụ cấp.
“Thời điểm này GV đang nghỉ hè, nên chưa áp lực lắm. Tuy nhiên, khi bước vào năm học mới, GV đi dạy cả ngày (đối với bậc học mầm non và tiểu học), mà thu nhập hàng tháng chỉ được vài triệu đồng sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đã đề nghị lên HĐND tỉnh, nên có giải pháp và quyết sách, cũng như cơ chế sao cho phù hợp, để hỗ trợ cho đội ngũ GV bớt khó khăn. Bởi lẽ, nếu thu nhập hàng tháng của GV thấp quá, đương nhiên họ phải tìm công việc khác để làm thêm. Như vậy, họ sẽ không còn thời gian chăm lo cho công tác chuyên môn ở trường, lớp, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi”, bà Hương chia sẻ.
Còn theo ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, huyện có hơn 900 GV các cấp học (từ mầm non đến THCS). Nhiều thầy, cô giáo là người miền xuôi lên vùng sâu, vùng xa công tác. Tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương và phụ cấp hàng tháng, nay bị cắt giảm khoản phụ cấp nêu trên, đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. “Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm, có cơ chế hỗ trợ cho GV, để nâng mức thu nhập hàng tháng lên. Khi có mức thu nhập hàng tháng ổn định, GV sẽ yên tâm và dành thời gian cho công tác chuyên môn hơn”, ông Thư chia sẻ.
Ông Vũ Văn Đạt – Bí thư Huyện ủy Quan Sơn trao đổi: Sau khi rà soát các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quan Sơn chỉ còn 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy thuộc vùng III. 10 xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn với gần 800 GV đang công tác ở các nhà trường.
Tuy nhiên, thời điểm này chúng ta thực hiện theo chuẩn nghèo cũ và kéo dài hết năm 2021. Từ năm sau, sẽ thực hiện chuẩn nghèo theo tiêu chí mới có thể sẽ phải rà soát lại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn. Vì thế, tiêu chí chuẩn nghèo mới sẽ nâng mức thu nhập lên, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện vùng 30A sẽ lại tăng cao. Hy vọng, lúc đó đội ngũ GV vùng sâu, xa cũng sẽ được hỗ trợ thêm.
Cũng theo ông Đạt, vừa qua, tỉnh Thanh Hóa dự thảo một chương trình phát triển kinh tế cho đồng bào các huyện miền núi của tỉnh. Hy vọng tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo ở vùng núi, biên giới, để họ yên tâm công tác.
Tác giả: Hồng Đức
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn