Trong tỉnh

Thanh Hóa: Vì sao người dân chần chừ chưa muốn giao đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam?

Mục tiêu của Thanh Hóa đặt ra đến ngày 30/6 năm nay, các địa phương phải hoàn thành xong giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam theo yêu cầu của Thủ tướng. Tuy nhiên công tác này đang gặp khó.

Tiền bồi thường không đủ mua đất, xây nhà

Tĩnh Gia là 1 trong những địa phương trên địa bàn Thanh Hóa có đường cao tốc Bắc- Nam đi qua. Tại địa phương này, việc tái định cư đang phát sinh khó khăn vì chênh lệch về mức giá lớn ở nơi đi và nơi đến.

Đơn cử như ở xã Phú Sơn, Phú Lâm giá trị đền bù chỉ 600.000 đến 1 triệu đồng/m2 đất ở, trong khi suất đầu tư tại khu định cư mới lên tới 2,7 triệu đồng/m2.

Toàn bộ ngôi nhà và 1,4ha đất của gia đình ông Hồ Xuân Mùi (thôn Bắc Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia) sử dụng từ năm 1977, theo chương trình làm kinh tế mới và chưa có giấy tờ đất.

Khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, đất của gia đình ông thuộc diện thu hồi. Với mức giá bồi thường đất nông nghiệp khoảng 10 triệu đồng/sào (1 sào bằng 500m2), trong khi nếu chuyển về nơi ở mới, khu tái định cư thôn Trung Sơn 20 triệu chưa mua nổi 10m2 khiến ông không khỏi lo lắng.

Bà Lê Thị Lý (xã Đông Thanh) lo lắng về khoản tiền nhận đền bù không đủ xây nhà nơi tái định cư.

Không những vậy, gia đình ông Mùi có 14 nhân khẩu chưa tách hộ. Nếu ra khu ở mới được tách thành 4 hộ với 4 suất đất tái định cư, mỗi suất nhỏ nhất 80m2 thì gia đình ông không biết xoay xở ra sao với số tiền lớn để mua đất.

Tại huyện Đông Sơn cũng tương tự, bà Lê Thị Lý, xã Đông Thanh cho biết, vẫn chưa nhận tiền đền bù phần vì băn khoăn về giá cả chưa phù hợp và quan trọng là cả khu tài sản trên đất là 570 triệu, nhưng nhận tiền rồi mang ra làm nhà thì riêng móng đã hết 200 triệu, không đủ để xây dựng lại cơ ngơi.

“Chúng tôi đi thì cũng được, cũng ủng hộ Nhà nước chứ không chống đối gì. Nhưng tiền đền bù không đủ mua đất và xây nhà. Không những thế, trước đây ở chỗ cũ chúng tôi còn buôn bán, giờ ra chỗ mới cũng chẳng biết sẽ mưu sinh như thế nào. Tiền đền bù thì dốc hết vào nhà cửa" – bà Lý cho biết thêm.

Hạ tầng ở mặt bằng tái định cư xã Đông Thanh (huyện Đông Sơn) thi công chưa được bao lâu đã sụt lún.

Huyện Đông Sơn còn tình trạng một số mặt bằng tái định cư chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết như điện, nước, ảnh hướng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây.

“Hiện nay, chúng tôi phải kéo nhờ điện từ bên kia đường, nước cũng thế, cả khu này không khoan giếng được chỗ nào hết. Mặt bằng tái định cư chưa đảm bảo quy định, giá đền bù thấp, việc áp giá chưa có sự thống nhất, công khai đến từng hộ dân… là lý do khiến nhiều hộ chưa nhận tiền bồi thường để về nơi ở mới” – anh La Thọ Thịnh (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) cho hay.

Khó kịp tiến độ?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến hết tháng 6 này các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua phải hoàn thành xong bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc, phát sinh nên việc triển khai đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị ở địa phương chưa thực sự tốt, việc bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, công trình dự án, mặt bằng san lấp, đường giao thông, vỉa hè dù mới thi công đã sụt lún, gây bất an cho người dân chuyển về nơi ở mới.

Khu tái định cư của huyện Đông Sơn.

Theo ông Đồng Văn Long, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Đông Sơn thì khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án qua địa bàn huyện Đông Sơn là việc xác định nguồn gốc đất, do UBND các xã giao đất trái thẩm quyền sau thời điểm 1/7/2004.

Về vấn đề bảo đảm mặt bằng tái định cư, ông Long thừa nhận, do quy trình đấu mối chậm nên việc đảm bảo điện, nước cho người dân bị chậm.

Về những hộ chưa nhận tiền để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng trước 30/6 theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đã giao các xã thành lập các tổ vận động người dân, để thực hiện quy trình theo các bước, cưỡng chế nếu các hộ không nhận tiền.

Theo báo cáo của Sở GTVT đến ngày 20/5, công tác giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp đạt 94,5% phần đất ở đạt 70,7%. Hầu hết các huyện giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ, khó nhất là phần mặt bằng qua hai huyện Tĩnh Gia và Hà Trung. Trong đó, đặc thù Tĩnh Gia là vùng kinh tế mới, Nghi Sơn có nhiều dự án nên khi dự án cao tốc đi qua ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển.

Được biết, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 tỷ đồng được bố trí giải phóng mặt bằng. Trong đó dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 là 1.375 tỷ đồng, quốc lộ 45 - Nghi Sơn hơn 900 tỷ đồng, Nghi Sơn - Diễn Châu là 244,5 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư và nhu cầu vốn năm 2020 với tổng kinh phí hơn 3.884 tỷ đồng.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam đi qua 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài tuyến hơn 104 km. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 9.200 hộ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần rà soát lại chuẩn xác kinh phí giải phóng mặt bằng để có cơ sở xử lý, khẩn trương lựa chọn nhà thầu thi công 82 khu tái định cư còn lại để triển khai hoàn thành trong quý 2/2020. Việc bàn giao mặt bằng dự án vào cuối quý 2/2020 là mục tiêu và nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thành, đảm bảo tháng 8/2020 thi công cao tốc Bắc – Nam.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok