Trường Mầm non Thanh Xuân chuẩn bị đón trẻ tới trường. |
Mặc dù ngày tựu trường đang cận kề, thế nhưng cán bộ, giáo viên trường Mầm non Thanh Xuân đang như “ngồi trên đống lửa”, bởi lẽ ngôi trường này đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, sau đợt mưa lũ hồi tháng 7 vừa qua càng khiến ngôi trường này bị thấm, dột nước mưa, ẩm mốc, gây hư hỏng nhiều đồ dùng học tập của nhà trường.
Vị trí ngôi trường nằm ở dưới gầm cầu bản Éo- quốc lộ 15A. |
Cô giáo Phạm Thị Huyên – Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để chuẩn bị năm học mới, ban giám hiệu đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường tập trung dọn dẹp vệ sinh trường lớp, trang trí các phòng học…để đón trẻ tới trường vào ngày 22/8 tới đây.
“Thế nhưng, tình trạng ngôi trường đã xuống cấp rất nghiêm trọng, nên chúng tôi rất lo lắng. Tất cả 4 phòng học thì phòng nào cũng bị thấm dột nước mưa, ẩm mốc gây hư hỏng nhiều vật liệu, thiết bị và đồ dùng học tập. Nhà trường cũng đã nhiều lần làm tờ trình lên các cấp đề nghị có phương án di dời trường đi nơi khác, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”- cô Huyên nói.
Sân khấu ngoài trời cho học sinh của trường. |
Theo điều tra của phóng viên GD&TĐ, trường Mầm non Thanh Xuân thuộc diện phải di dời, vì ngôi trường này nằm trong vùng ngập lòng hồ của Thủy điện Hồi Xuân. Do vị trí của ngôi trường nằm tụt sâu phía dưới cầu bản bản Éo, xã Thanh Xuân nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường.
Góc tường của ngôi trường bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Bởi lẽ, dự án nâng cấp quốc lộ 15A đã khiến ngôi trường tụt sâu hàng chục mét so với mặt đường và mặt cầu bắc qua con suối Éo. Các hộ dân sinh sống tại khu vực lân cận ngôi trường cũng đã di dời lên vị trí ngang với mặt đường 15A để ở. Vì thế, trường Mầm non Thanh Xuân ở phía dưới phải hứng chịu toàn bộ rác thải từ chuồng trâu, bò, lợn, gà, hố tiêu, hố tiểu cũng như nước thải sinh hoạt do các hộ dân sống ở phía trên xả xuống.
Góc tường của phòng hiệu bộ nhà trường. |
Lối vào trường là một con dốc dựng đứng từ quốc lộ 15A dẫn xuống. Trời nắng thì bụi bặm vô cùng, trời mưa thì lầy lội và bị chia cắt bởi đất, đá từ trên mặt quốc lộ 15A đổ xuống.
Bị thấm nước mưa gây ẩm mốc khiến đồ dùng của trường bị hư hỏng nhiều. |
“Nhà trường phải liên tục huy động phụ huynh tham gia giải phóng đất, đá sạt lở xuống mới có lối đưa các cháu tới trường. Sau kỳ nghỉ hè 2018, do trời mưa nhiều khiến các phòng học càng xuống cấp trầm trọng hơn.
Các phòng học đều bị thấm nước, môi trường bị ô nhiễm, không còn đảm bảo an toàn cho cô và trò nhà trường, nguy cơ gây tai nạn và dịch bệnh cho trẻ là rất lớn. Nếu nhà trường không được chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, thì các bậc phụ huynh cũng rất lo ngại gửi con tới trường”- cô giáo Lê Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Ẩm mốc và hư hỏng gây nguy cơ rơi vữa tường. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Trường mầm non Thanh Xuân thuộc diện phải di dời vì nó nằm trong vùng ngập lòng hồ của Thủy điện Hồi Xuân.
Tuy nhiên, hiện nay Công ty Thủy điện Hồi Xuân chưa chi trả tiền đền bù để di dời ngôi trường này đến nơi khác. “Huyện cũng rất lo lắng trước sự an toàn tính mạng của cô, trò nhà trường vì thực trạng trên. Mặc dù địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu phía Thủy điện Hồi Xuân chi trả tiền đền bù để di dời ngôi trường này, nhưng đến nay cũng chưa được. Do đó, huyện có giải pháp sẽ chuyển trường Mầm non Thanh Xuân về học tạm tại ngôi trường Tiểu học Thanh Xuân cũ (địa điểm này đang được Thủy điện Hồi Xuân thuê lại của xã để cho công nhân ở), nhằm tránh những tai nạn xảy ra.”- ông Tự nói.
Văn bản đề nghị của nhà trường. |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, theo giá đền bù để di dời trường Mầm non Thanh Xuân đi nơi khác, thì phía Thủy điện Hồi Xuân chi trả 1,5 tỷ đồng. “Mặc dù khi Thủy điện Hồi Xuân có chi trả 1,5 tỷ đồng để di dời trường Mầm non Thanh Xuân đi nới khác, thì số tiền đó cũng không đủ để xây dựng mới một trường mầm non. Huyện cũng đã báo cáo tình hình này về tỉnh, vì huyện không có ngân sách để xây dựng trường Mầm non Thanh Xuân. Hiện nay, huyện cũng đang phải ý kiến chỉ đạo của tỉnh và tìm nguồn kinh phí”- ông Tự cho biết thêm.
Tác giả: Trang Hoàng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại