Trong tỉnh

Thanh Hóa: Thúc đẩy sản xuất gạch không nung

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa (trung tâm) đã phối hợp với Công ty CP GKN Thanh Tâm (huyện Mường Lát) thực hiện Ðề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung”.

Gạch không nung giúp nâng cao hiệu quả kiến trúc, rút ngắn thời gian thi công

Theo đại diện Công ty CP GKN Thanh Tâm, ý tưởng mở nhà máy sản xuất gạch không nung xuất phát từ Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ gạch thủ công của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, tham quan các mô hình sản xuất gạch không nung tại các tỉnh, thành phố khác, xét thấy tiềm năng thị trường tốt, công ty đã mạnh dạn xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung.

Công ty đã nhanh chóng thực hiện các hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị… với tổng kinh phí 871 triệu đồng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trung tâm đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho hạng mục đầu tư máy ép gạch tự động mã hiệu TB 8.5.

Mô tả quy trình sản xuất cũng cho thấy, mọi hoạt động của dây chuyền thiết bị đều được tự động hóa một cách tối đa. Nguyên liệu chính để sản xuất gạch là mạt đá, xi măng; quy trình sản xuất cơ bản gồm: Nguyên liệu sau khi phối trộn sẽ chuyển vào khuôn đóng, ép cưỡng bức; thành phẩm tạo ra được phơi khô, bảo quản và đưa vào sử dụng.

Gạch không nung có đặc tính vượt trội so với các loại gạch khác ở cường độ chịu lực tốt, khả năng cách âm, cách nhiệt và chống thấm tốt. Đặc biệt, so với gạch nung, gạch không nung có kích thước gấp 2 - 11 lần thể tích... qua đó nâng cao hiệu quả kiến trúc, giảm thiểu kết cấu thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, giá thành hạ.

Cũng theo đại diện đơn vị thụ hưởng, sau thời gian vận hành thử, dây chuyền sản xuất đã hoạt động ổn định giúp doanh nghiệp tăng năng suất và giảm cường độ lao động, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tối đa điện năng trong sản xuất; đáp ứng hiệu quả kinh tế cao cho chính doanh nghiệp và người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đề án hoàn thành cũng góp phần thúc đẩy ngành vật liệu xây không nung phát triển trên địa bàn huyện Mường Lát.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung là chủ trương lớn của Thanh Hóa. Tỉnh đã huy động nguồn vốn từ nhiều chương trình mục tiêu khác nhau, trong đó có chương trình khuyến công nhằm thực hiện chủ trương này. Theo thống kê, trên địa bàn hiện có 47 dự án sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế 1.038 triệu viên QTC/năm, trong đó có 35 nhà máy đang sản xuất với tổng công suất 753 triệu viên, sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 400 triệu viên QTC/năm; 12 dự án đang đầu tư xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 285 triệu viên, dự kiến trong năm 2018 sẽ đi vào hoạt động.

Đề án “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung” có công suất 4 triệu viên/năm, sau khi vào hoạt động ổn định giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Tác giả: Việt Nga

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok