Kinh tế

Thanh Hóa: Thu xuất nhập khẩu "đu đưa" theo Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Thu từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ trọng khoảng 85% tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tại Thanh Hóa.

Năm 2023, Thanh Hóa dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giảm từ mức thu hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2022, xuống còn hơn 13.500 tỷ đồng. Mức giảm trên chủ yếu tới từ sự giảm thu được dự đoán từ hoạt động nhập khẩu dầu thô phục vụ cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cụ thể, theo báo cáo từ Cục Hải quan Thanh Hóa, trong năm 2022, tổng thu từ Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 19.806 tỷ đồng, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2021 (19.806,25 tỷ đồng/ 12.031.05 tỷ đồng), đạt 180,05% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (11.000 tỷ đồng) và 113,18% so với chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (17.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên trong năm 2023, các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm mạnh. Trong đó, mức giảm chủ yếu ảnh hưởng từ sự sụt giảm liên quan hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khi các khoản thu từ hoạt động này chiếm tỷ trọng lớn, dao động trong khoảng từ 83% đến trên 85% tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều năm qua.

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có các khoản thu khác tới từ hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất (than đá, dầu cọ, hóa chất, sắt thép phế liệu,..) cho một số dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã đi vào hoạt động thương mại. Trong khi đó, nguồn thu từ xuất khẩu vẫn rất hạn chế với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống chủ yếu là dăm gỗ và đá vôi chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Trở lại với nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu dầu thô, năm 2022, biến động địa chính trị trên thế giới khiến giá dầu thô tăng mạnh, giao dịch quanh mức trên dưới 100USD/thùng đã góp phần đưa Thanh Hóa lần đầu gia nhập "CLB 50.000 tỷ đồng" thu ngân sách của cả nước.

Theo đó, Việt Nam mặc dù là quốc gia khai thác dầu thô, có hoạt động xuất khẩu, nhưng vẫn phải nhập một lượng dầu thô rất lớn về để lọc. Ghi nhận trong năm 2022, Việt Nam nhập siêu khoảng 7 triệu tấn dầu thô phục vụ cho 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Nguyên nhân, theo các chuyên gia là do chủng loại dầu thô trong nước không hoàn toàn phù hợp với các nhà máy hiện có. Trong khi đó, mỗi nhà máy lọc dầu thường được thiết kế chỉ để lọc một số loại dầu thô nhất định. Đơn cử như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, là loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến.

Vì vậy, với giá dầu thô tăng cao trong năm 2022 đã khiến ngân sách thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng đột biến. Tuy nhiên, việc thu ngân sách phụ thuộc quá lớn vào sự tăng giảm của giá dầu cũng khiến Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách vĩ mô trước tình hình chính trị thế giới khó đoán định, kéo theo biến động khó lường của giá dầu.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhập hoàn toàn nguyên liệu dầu thô từ nước ngoài. (Hình ảnh một tàu chở dầu của PVtrans).

Qua trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Cục Hải quan Thanh Hóa cho rằng, giá dầu thô thế giới chịu sự tác động rất lớn bởi các yếu tố vĩ mô như: tình hình chính trị thế giới, nhu cầu dầu thô của thị trường thế giới, quyết định sản lượng của các tổ chức dầu mỏ lớn như OPEC, xung đột vũ trang tại các khu vực xuất khẩu dầu thô,… do đó gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác dự báo.

Trong những tháng đầu năm 2023, giá dầu thô thế giới giảm mạnh so năm 2022 từ mức 98 USD/thùng còn hơn 80 USD/thùng. Nhìn chung, về mặt tích cực việc này sẽ khiến chi phí Logictics giảm so với cùng kỳ, tạo đà thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng cũng sẽ khiến số thu NSNN từ dầu thô nhập khẩu giảm tới 90 tỷ đồng trên 1 chuyến tàu nhập khẩu.

Mặc khác, theo thông báo của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2023 đơn vị này sẽ tiến hành bảo dưỡng lớn định kỳ theo thiết kế, do đó nhà máy sẽ tạm ngừng nhập khẩu dầu thô với khoảng thời gian từ một tới hai tháng, tùy theo mức độ bảo dưỡng. Sự trì hoãn này cũng tương đương với mức giảm từ 3 tới 5 chuyến tàu nhập khẩu.

Trên cơ sở đó, dự báo số thu NSNN từ dầu thô năm 2023 qua địa bàn Thanh Hóa sẽ giảm từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, trong khi việc tìm kiếm các nguồn thu khác bù đắp sự sụt giảm nêu trên trong bối cảnh kinh tế hiện tại dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cũng theo Cục Hải quan Thanh Hóa, qua nắm bắt tình hình XNK đầu năm 2023 tại một số doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp XNK đang gặp nhiều khó khăn, không có đơn đặt hàng mới do nhu cầu thấp của thị trường trong nước và các thị trường nước ngoài truyền thống như EU, Mỹ,... Vì vậy, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tìm kiếm các thị trường mới như tại Ấn độ, Nga,… Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tác động đến quá trình quản lý, do chính sách thuế của Việt Nam áp dụng khác nhau đối với từng khu vực trên thế giới, từ đó cũng gây ra ảnh hưởng đáng kể đến công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Việt Phương

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok