Trong tỉnh

Thanh Hoá thiếu hụt lao động do F0 tăng đột biến trong nhà máy, xí nghiệp

Tại Thanh Hoá, những ngày qua ghi nhận số công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp mắc Covid-19 tăng đột biến. Bên cạnh đó, việc áp dụng cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với F0, F1 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Dịch bệnh đang bùng phát khá nhanh, số ca dương tính cộng đồng ở Thanh Hoá tăng vọt. “Cơn bão” F0 xâm nhận và lan truyền nhanh trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học… khiến nhiều dây chuyền sản xuất gián đoạn, thậm chí ngưng hoạt động.

Thanh Hoá thiếu hụt lao động do F0 tăng đột biến trong nhà máy, xí nghiệp.


Ông Lê Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Nam Linh (Công ty may đứng chân trên địa bàn huyện Quảng Xương) cho biết, mỗi ngày ghi nhận hơn 10 ca dương tính với SARS-CoV2. Công ty đang đau đầu với bài toán đảm bảo đơn hàng cho đối tác.

"Trước Tết không vấn đề gì, sau Tết thì lượng người các nơi về và học sinh đi học thì bắt đầu lây lan dịch bệnh nhanh chóng. Mỗi ngày ghi nhận hơn 10 ca mắc, chúng tôi thực hiện đảm bảo 5K đầy đủ nhưng vẫn lây lan nhanh chóng. Chỉ có điều bệnh nhân không nặng, truyền nào làm vẫn làm, nghỉ vẫn nghỉ, tiến độ không theo ý định của mình được", ông Nghị cho hay.

Mỗi ngày dịch bệnh Covid-19 đang "tạm lấy đi" lượng lớn lao động trong nhà máy, xí nghiệp ở Thanh Hoá. Đến thời điểm này, có công ty phải cho 70% công nhân nghỉ việc để cách ly y tế. Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động do F0 tăng đột biến đã và đang gây khó khăn sản xuất của công ty.

"Tới đây, nếu coi là bệnh đặc hữu rồi thì đề nghị F1 không phải cách ly nữa, được đi làm bình thường. Ở công ty chúng tôi khi tiếp xúc F0 thì rất đông người là F1, cho nên người lao động nghỉ như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất. Về phía công ty phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch nên không thể yêu cầu người lao động trở lại làm việc mà phải căn cứ vào quy định, đảm bảo sức khoẻ người lao động mới quay trở lại", ông Quang nói.

Còn tại Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam với 10.000 lao động, hiện tại đang có khoảng 50% công nhân phải nghỉ việc do Covid-19, dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Đồng tình quan điểm cần thay đổi quy định, không áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với F1. Bà Vũ Thị Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam cho biết, trong tình hình hiện nay nếu địa phương vẫn áp dụng cách ly y tế F1 là không cần thiết, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

"Phía công ty mong muốn giảm thời gian cách ly, có thời gian cách ly hợp lý. Thứ 2 là rất nhiều địa phương sau khi công nhân âm tính thì tiếp tục yêu cầu nghỉ theo dõi sức khoẻ, nó khiến doanh nghiệp đang thiếu lao động càng thiếu trầm trọng hơn", bà Loan cho biết.

Hiện nay ở các nhà máy đều sản xuất theo dây chuyền vì vậy việc hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc do Covid-19 đã đứt gẫy chuỗi sản xuất, thậm chí phải dừng hoạt động. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quy định chung đang được công nhân, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm; tuy nhiên khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong nhà máy, xí nghiệp những ngày qua ở Thanh Hoá cho thấy chúng ta không thể ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 lây lan. Việc nhìn nhận thực tế để đưa ra quy định thích ứng linh hoạt là cần thiết, cấp bách lúc này./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok