Giáo dục

Thanh Hóa tăng cường quản lý thu chi tại các trường học

Để giải quyết tình trạng thu tiền trái quy định tại các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường công tác thanh kiểm tra các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Qua thanh tra, nhìn chung các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành về thực hiện các khoản thu, chi trong năm học. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, trường học vẫn còn xảy ra tình trạng “lạm thu” gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Giáo viên trường tiểu học Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Trong đợt thanh kiểm tra các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn Thanh Hóa vừa qua, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thanh kiểm tra đột xuất 10 trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, cả 10 trường đều có sai phạm trong vấn đề thu, chi.

Cụ thể, qua thanh tra tại Trường Mầm non Đông Thọ B, Mầm non Phan Đình Phùng, Mầm non Đông vệ, các trường đều chi sai một số nội dung như: tiền mua sắm đồ dùng bán trú, khám sức khỏe định kỳ cho giáo viên, tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, mua phiếu bé ngoan, sách truyện cho các cháu…

Các trường mầm non này đều thiếu hồ sơ mua sắm và quản lý tài sản; kế hoạch mua sắm chưa sát thực tế (không phân biệt các đồ dùng còn sử dụng được và đồ dùng hư hỏng cần mua thêm); chưa tổ chức khảo sát, đánh giá, kiểm tra đồ dùng hiện có để làm căn cứ lập danh mục mua sắm (có danh mục mua sắm trùng với danh mục đã mua sắm các năm trước). Các trường được thanh tra đều tổ chức dạy học kỹ năng sống và tiếng Anh chủ yếu trong giờ chính khóa nhưng vẫn thu tiền sai quy định…

Tại khối trường Tiểu học, các khoản thu theo quy định nhà nước và các khoản thu của các đoàn thể được hầu hết các trường thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, tiền mua sắm đồ dùng bán trú, đồ dùng học tập hầu hết các trường được kiểm tra đều thu mức cao nhất không phân biệt các đồ dùng còn sử dụng được và đồ dùng hư hỏng cần mua thêm.

Một số trường chi sai mục đích nguồn thu, chi mua bàn ghế cho học sinh bán trú như Trường Tiểu học Điện Biên 2. Về hoạt động dạy học kỹ năng sống, hợp đồng giữa nhà trường với công ty cung cấp phần mềm không rõ ràng, không ghi giá trị hợp đồng, nội dung hợp đồng là chuyển giao phần mềm, không phải hợp đồng dạy kỹ năng sống. Tỷ lệ chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy quá thấp, hầu hết các trường đều dạy học kỹ năng sống trong giờ học chính khóa.

Về hoạt động dạy học tiếng Anh Phonics, hợp đồng giữa nhà trường và các trung tâm ngoại ngữ thực hiện nội dung không rõ ràng, không ghi giá trị hợp đồng. Tỷ lệ chi cho các trung tâm này cao 53,5% là không hợp lý, tỷ lệ chi cho giáo viên trực tiếp dạy quá thấp, khoảng 17%. Tình trạng tổ chức dạy học tiếng Anh đan xen trong giờ học chính khóa vẫn diễn ra ở hầu hết các trường.

Ở khối trường Trung học Cơ sở, qua kiểm tra Trường Trung học Cơ sở Điện Biên, số liệu báo cáo của trường chỉ thể hiện 25% số thu, chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, hầu hết các khoản chi nhà trường chi thẳng không thông qua quyết toán năm.

Bên cạnh đó, ngoài việc chi bảo trì máy tính, Trường Trung học Cơ sở Điện Biên sử dụng nguồn kinh phí để mua 3 bộ máy vi tính là không đúng mục đích. Ngoài ra, qua kiểm tra thu, chi Quỹ Hội cha mẹ học sinh, các trường được kiểm tra đều chi sai các nội dung như: chi các ngày lễ, tết, chi bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, chi thưởng giáo viên, học sinh giỏi…

Ông Lê Văn Nguồn, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra về thực hiện các khoản thu chi đầu năm theo phản ánh từ đường dây nóng và báo chí nêu.

Mới đây nhất, ngày 13/11, thanh tra đơn vị này đã ra quyết định số xử phạt vi phạm hành chính đối với trường Trung học Cơ sở Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa số tiền 12 triệu đồng. Trường này đã để Ban đại diện Cha mẹ học sinh triển khai thu tiền bổ sung tăng cường cơ sở vật chất trường học với mức từ 300.000 đồng/học sinh/năm.

Ngoài ra, trường còn thu 50.000 đồng/học sinh/năm để sửa chữa điện lớp học là trái quy định tại Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn của Sở về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2017 - 2018. Trường Trung học Cơ sở Thiệu Trung phải dừng việc tổ chức triển khai khoản thu trái quy định nêu trên, đồng thời chịu mọi chi phí tổ chức trả lại số tiền đã thu của cha mẹ học sinh trái quy định, chậm nhất vào ngày 19/11/2017.

Trước đó, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa vì có nhiều khoản thu trái với quy định; xử phạt 12 triệu đồng đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thịnh (huyện Yên Định) về hành vi tổ chức câu lạc bộ trong giờ học chính khóa tại trường và xử phạt 10 triệu đồng đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) vì thu chi nhiều khoản trái quy định…

Thực tế cho thấy, hằng năm UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ra nhiều chỉ thị, văn bản hướng dẫn chấn chỉnh và triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học khi bước vào năm học mới. Tuy vậy, vấn đề “lạm thu” vẫn tiếp tục diễn ra ở các đơn vị trường học dưới nhiều hình thức khác nhau, gây bức xúc trong dư luận.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía ngành Giáo dục và Đào tạo mà còn phải từ chính các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên. Bên cạnh đó, cần nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị trường trong chống lạm thu và xử lý nghiêm hơn nữa những sai phạm…

(còn nữa)

Tác giả: Khiếu Tư

Nguồn tin: Báo TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok