Trong tỉnh

Thanh Hóa: Sự ra đời của một dự án BT kỳ lạ

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn xây dựng miền Trung liên tục trúng thầu nhiều dự án lớn. Gần đây, liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty CP Xây dựng phát triển Hòa Bình đã trúng thầu một dự án BT hết sức kỳ lạ - Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê.

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu mà phóng viên Đời sống và Pháp luật online có được cho thấy, ngày 9/11/2015, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung có công văn số 468/KHTH-TĐ gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

Ngay sau đó, ngày 12/11/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 11762/UBND-THKH giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; UBND thành phố Thanh Hóa) nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung có ý kiến báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.

Ngày 15/12/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 4496/SKHĐT-TĐ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa. Tại văn bản này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, “Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 26/3/2007; được Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 7024/QĐ-UBND ngày 9/5/2012 với tổng mức đầu tư là 69,3 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư: Vốn chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa, nguồn vốn xã hội hóa, ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách thành phố và các nguồn đóng góp hợp pháp khác. Đến nay, dự án đã thi công hoàn thành và phê duyệt quyết toán các hạng mục: Nghi Môn, Tiền Điện; các hạng mục còn lại: Tả vu, Hữu vu và công trình phụ trợ chưa thực hiện”.

Di tích lịch sử Thái miếu Nhà Hậu Lê

Do đó, để có cơ sở triển khai các hạng mục công trình chưa thực hiện nhằm hoàn thành dự án theo quy hoạch được duyệt, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung đề xuất đầu tư Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT); đồng thời giao công ty làm chủ đầu tư thực hiện một dự án khác (dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, quy mô khoảng 70,7 ha) nhằm khai thác quỹ đất, tạo vốn đối ứng thực hiện dự án.

Về việc này, Sở Kế hoạch và Đầu tư xét thấy, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê được Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư từ năm 2012, đến nay tiến độ thực hiện không đảm bảo, nên việc điều chỉnh hình thức đầu tư dự án là phù hợp với thực tế và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì công trình trên thuộc lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Từ những lý do trên, Sở kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương đầu tư hoàn thành Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê theo hình thức đối tác công tư.

Ngày 30/12/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 13502/UBND-THKH đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê theo hình thức đối tác công tư. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án, đồng thời, đề nghị Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định tại khoản 2, điều 21, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 444/SKHĐT-TĐ ngày 5/2/2016, ngày 14/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 889/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Quyết định số 889/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa

Theo quyết định này, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là gần 91 tỷ đồng, nhà đầu tư tự huy động 100% vốn để đầu tư dự án. Đáp lại, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, quy mô khoảng 70,8 ha tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa để tạo vốn đối ứng.

Cũng tại quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì quản lý hoạt động của dự án theo quy định tại khoản 2, điều 17, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; Sở Xây dựng là cơ quan quản lý dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát thực hiện hợp đồng, chất lượng công trình theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.Theo quyết định này, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là gần 91 tỷ đồng, nhà đầu tư tự huy động 100% vốn để đầu tư dự án. Đáp lại, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, quy mô khoảng 70,8 ha tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa để tạo vốn đối ứng.

Gần đây nhất, ngày 9/9/2018, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3015/QĐ-UBND phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu theo kết quả chỉ định thầu là Liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Công ty cổ phần Xây dựng phát triển Hòa Bình do Tập đoàn Miền Trung đứng đầu. Tổng mức đầu tư là 293.174 triệu đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Liên danh đầu tư Dự án khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa tại phường Quảng Thành với quy mô 67,72 ha làm dự án đối ứng.

Tiếp đó, ngày 10/9/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Hợp đồng Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa theo hình thức PPP (hợp đồng BT).

Theo hợp đồng được công bố, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 293,1 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư đóng góp là 58,6 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động là 234,5 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện là phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa với diện tích đất sử dụng là 19.760 m2.

Để thực hiện Dự án, doanh nghiệp dự án được thành lập là Công ty TNHH BT Nam Thành phố có địa chỉ tại tầng 3, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36.03D, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa. Theo Hợp đồng công bố, thời gian thực hiện Hợp đồng Dự án là 2 năm (kể từ ngày 29/8/2018).

Ngay khi dự án vừa được công bố, dư luận đã dấy lên những quan điểm trái chiều. Có thể gọi đây là dự án BT kì lạ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khi nhà đầu tư trùng tu di tích có giá trị kiến trúc, văn hóa và tâm linh đặc biệt đồng thời đánh đổi khu đô thị có quy mô lên tới gần 68 ha. Nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng lợi ích tư nhân đặt lên trên giá trị thiêng liêng cộng đồng?

Những bất cập, dấu hiệu bất thường trong quá trình lập đề án, nguy cơ xâm hại di tích và câu chuyện “lợi ích nhóm” sẽ được phóng viên tiếp tục phản ánh trong thời gian tới.

Đời sống và Pháp luật online tiếp tục thông tin đến bạn đọc...

Tác giả: Nhóm Phóng viên

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok