Trong tỉnh

Thanh Hóa: Sông nhà Lê đang được "hồi sinh"?

Được đào từ thời vua Lê Đại Hành, sông nhà Lê đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu úng cho cả vùng đồng bằng rộng lớn ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, sông nhà Lê đang phải đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng, được cho là đang “hấp hối”. Nhưng cho đến nay, con sông đã phần nào được cải tạo, và hi vọng sẽ được “hồi sinh”.

Rác thải vẫn có, nhưng đã ít hơn xưa

Đi dọc tuyến sông nhà Lê, nhất là những phân đoạn sông có nhà dân sát mép, chúng tôi vẫn thấy rác thải sinh hoạt trôi nổi trên sông, tuy nhiên lác đác và thưa thớt. Vẫn có một vài hộ dân đưa ống thải trực tiếp ra sông, hay nuôi bèo, trồng rau lấn chiếm lòng sông, nhưng chỉ là số ít.

Rác vẫn còn trên sông nhưng chỉ một lượng nhỏ

Bà Lê Thị Dung, đường Vệ Đà (Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) cho biết: “Bây giờ nhà dân không mấy người làm ống xả trực tiếp xuống lòng sông nữa, có thì chắc cũng phải qua xử lý rồi. Giờ sông cũng không còn nặng mùi như mấy năm về trước.”

Đi sâu vào Xóm Trại, thôn Vệ Yên (nay là đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng), ông Đỗ Thông chia sẻ: “Ngày trước người ta hay vứt rác xuống sông, giờ đỡ nhiều rồi. Giờ một nhà đóng mỗi tháng mươi mười lăm nghìn để xã thu gom rác rồi.”

Phường Quảng Thắng có làng nghề khai thác đá, làm đá mĩ nghệ dọc theo đường Phù Lưu ngày nay. Có đến gần 10 xưởng làm đá lớn, hoạt động gần như cả ngày, và nằm dọc ven sông nhà Lê. Chúng tôi đã tìm đường ra phía sau các xưởng đá, và thấy tình trạng xả thải trực tiếp xuống sông hầu như không còn. Các xưởng đã đào hồ lắng bột đá. Quan sát kĩ quy trình hoạt động của hồ lắng, chúng tôi thấy phần nước sau khi lắng vẫn được xả xuống sông, nhưng nước đã trong hơn. Đoạn sông có ống xả cũng không có dấu hiệu của bột đá trắng trên bề mặt sông.

Người dân vẫn còn xả thải, nuôi bèo, tuy nhiên ít.

Lấy sông nhà Lê làm ranh giới phân chia với xã Quảng Thắng (nay là phường Quảng Thắng), xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn cũng có làng nghề khai thác đá (phía sau núi Nhồi), gần với làng nghề đá mĩ nghệ ở Quảng Thắng. Cũng được phàn ánh là xả bột đá xuống lòng sông, nhưng hiện nay, các xưởng khai thác đá ở Đông Hưng cũng đã đào hồ, xây đập riêng để lắng bột rồi mới xả nước.

Sông nhà Lê đang dần hồi sinh?

Ông Đỗ Anh Bắc, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thắng cho biết: Sông nhà Lê bị ô nhiễm bởi 4 lý do: thứ nhất, gần một nửa hệ thống nước thải của thành phố Thanh Hóa đang đổ thẳng vào sông nhà Lê; thứ 2 là do ý thức người dân; thứ 3 là các công trình, các doanh nghiệp (có cả làng nghề đá) xả thải trực tiếp xuống dòng sông và thứ 4 là do nhà nước cũng chưa có sự quan tâm nạo vét thường xuyên.

Xưởng đá làng nghề đã có hồ chứa lắng đọng riêng

Tuy nhiên, ông Bắc chia sẻ thêm, ngày xưa cứ hễ rác là người ta ném luôn xuống sông, nhiều người ném thì nó chất lên thành núi, bây giờ sau khi đã được phường vận động, dân không còn vứt rác xuống sông nữa. Mỗi địa phương sẽ có một khu chứa và phân hủy rác riêng. Các nhà máy, xí nghiệp thuộc địa phận phường Quảng Thắng cũng không còn dám xả thải trực tiếp xuống sông nữa mà đã có quy trình xử lý chất thải.

Ông còn cho biết, tỉnh và nhà nước đã có đầu tư nạo vét sông nhà Lê thuộc khu vực phường Quảng Thắng (đoạn từ cầu Bố đổ vào) nhưng mới chỉ được một đoạn, “không ăn thua”. Sông ở những khu vực phía trong vẫn còn những nơi còn rác thải, lòng sông rất nông, nước sông đục và ít, bèo, cây cối mọc 2 bên rất dày. “Có những chỗ bèo dày đến mức mình còn đứng được trên sông.”

Cống xả thải của thành phố vào sông nhà Lê

“Căn bản phải do nhà nước can thiệp, mình chủ yếu là tuyên truyền cho dân” – Ông Bắc nói. Phường đang tích cực vận động dân ngừng xả rác xuống sông, nhất là chất thải rắn, động viên bà con vứt rác tại các điểm tập trung của phường, cho đội vệ sinh của phường thường xuyên đi thu gom rác. Còn chuyện nạo vét khơi thông cho sông, cái này cần có cả sự quan tâm của nhà nước.

Tuy vẫn còn ô nhiễm, nhưng sông nhà Lê đã cho thấy những dấu hiệu lạc quan. Người dân, doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sông, nhà nước cũng đã có những quan tâm cụ thể.
Mong rằng trong tương lai gần, sông nhà Lê sẽ được “cứu”, được “hồi sinh”, giữ vẹn nguyên một dòng sông lịch sử.

Tác giả: Chi Mai

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: Sông nhà Lê , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok