|
Theo phản ánh của một số hộ dân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, trong tháng 6, dù bị cắt điện luân phiên nhưng tiền phải nộp của nhiều hộ dân tại đây tăng gần như gấp đôi so với tháng liền trước đó. Điều này đã khiến cho nhiều người dân tỏ ra bất ngờ và bức xúc.
"Tháng vừa rồi nhà chị dùng giống như các tháng trước, thậm chí là ít hơn vì có cái tủ lạnh đã đem ra ngoài cửa hàng. Tuy nhiên rất bất ngờ khi tháng 6 bên điện lực thông báo tiền điện lại cao hơn tháng trước, gần như gấp đôi dù cắt điện luân phiên", chị Trịnh Thị Trang, tiểu khu Thắng Thịnh, thị trấn Nga Sơn bức xúc cho biết.
Hóa đơn tiền điện tháng 6 của hộ nhà chị Trang tăng gần gấp đôi so với tháng liền trước. |
Không riêng hộ chị Trang, tình trạng trên diễn ra tại hầu hết các hộ gia đình ở tiểu khu với cùng tình trạng chung là mất điện luân phiên nhưng tiền điện lại gần như tăng gấp đôi so với tháng trước, mặc dù không có thay đổi nhiều về các thiết bị điện.
Đáng chú ý, tại một số hộ, không những bức xúc về tình trạng hóa đơn điện tăng gấp đôi, đơn cử như hộ anh Linh (thị trấn Nga Sơn) còn tỏ ra bức xúc khi việc cắt điên luân phiên đã khiến cho việc kinh doanh, cụ thể là những mặt hàng kinh doanh của gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Đang buồn vì cắt điện khiến việc làm bánh kem, là mặt hàng kinh doanh của cửa hàng tôi bị hỏng nhiều trong quá trình nướng do cắt điện bất ngờ mà không báo trước, việc này xảy ra ở giai đoạn bắt đầu cao điểm cắt điện, sau thì mới có thông báo trước. Chưa hết thì tháng này tôi rất bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến như vậy. Tôi không hiểu ra sao, gọi điện lên tổng đài cũng chỉ nhận được các câu trả lời hướng dẫn chung chung và cũng chưa thấy có ai xuống kiểm tra", anh Linh bức xúc cho biết.
Theo tìm hiểu thực tế từ Người Đưa Tin, tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến diễn ra tại nhiều nơi ở huyện Nga Sơn. Trên một trang mạng xã hội, nhiều người dân cũng đã bày tỏ những bức xúc tương tự như trên sau khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6. Tuy nhiên, cùng với đó cũng có những quan điểm cá nhân lý giải về tình trạng tiền điện tăng như trên, việc này đã gây nhiều tranh cãi trên không gian mạng.
Nhiều người dân tiểu khu Thắng Thịnh (thị trấn Nga Sơn) tỏ ra bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng vọt dù cắt điện luận phiên. |
Trước thực trạng trên, Người Đưa Tin đã có tham khảo ý kiến của một chuyên gia lâu năm làm việc trong ngành điện, được biết, việc hóa đơn tiền điện tăng như nêu trên cũng là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong mùa nóng, bởi lẽ, các thiết bị làm lạnh trong một hộ gia đình thường chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc tiêu thụ điện. Đáng chú ý, khi thời tiết bên ngoài càng nóng thì các thiết bị này sẽ phải hoạt động thường xuyên hơn, không có nhiều quãng nghỉ để duy trì mức nhiệt theo yêu cầu. Trong khi đó, nếu thời tiết mát mẻ, vẫn là chiếc máy lạnh đó nhưng sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn nên mức tiêu thụ điện năng rõ ràng sẽ ít hơn. Đồng thời, việc tính giá điện theo mức lũy tiến cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi trong khi mức tiêu hao điện chưa hẳn tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến từ vị chuyên gia này, việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến, nhất là tăng tới 100% rõ ràng các đơn vị cung cấp điện cần phải kiểm tra, phúc tra tìm ra nguyên nhân để giải thích rõ cho khách hàng.
Trao đổi nhanh qua điện thoại với Người Đưa Tin về tình trạng trên, một lãnh đạo điện lực Nga Sơn cho biết, thường sau khi có phản ánh của người dân, hoặc phát hiện hóa đơn tăng "bất thường", phía điện lực trong vòng 24h sẽ kiểm tra lại. Về các trường hợp phản ánh ở trên thì đơn vị chưa nắm được và sẽ lập tức cho người xuống kiểm tra ngay, kể cả ngày nghỉ.
Qua liên hệ với một nhân sự làm việc bên bộ phận truyền thông của Công ty Điện lực Thanh Hóa về sự việc hóa đơn điện tăng "bất thường" trên, cá nhân này cho biết chưa thể trả lời sự việc vì không phải là người phát ngôn.
Theo tìm hiểu, vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công văn gửi các tổng công ty điện lực, trong đó yêu cầu các đơn vị tiến hành phúc tra 100% hóa đơn tiền điện tăng đột biến từ 30% so với tháng trước liền kề. Đối với các khách hàng đọc chỉ số công tơ trực tiếp ngoài hiện trường, có thể thực hiện kiểm tra, phúc tra đồng thời thông qua thiết lập cơ chế để nhân viên ghi chỉ số phải đọc và nhập lại chỉ số lần thứ 2 trên phần mềm ghi chỉ số tại hiện trường. Kết quả phúc tra phải lập bảng kê phúc tra chỉ số có xác nhận bởi nhân viên phúc tra chỉ số và lãnh đạo đơn vị trên hệ thống CMIS.
|
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn