Trong tỉnh

Thanh Hóa quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC), thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều phương án, giải pháp cấp bách chống nạn khai thác hải sản bất hợp pháp…

Vào cuộc quyết liệt

Điểm mấu chốt là quyết định tổ chức, thành lập 3 văn phòng đại diện có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại 3 cảng cá Hòa Lộc, Lạch Hới và Lạch Bạng. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, đây là việc làm vô cùng cấp thiết trong quá trình lấy lại niềm tin từ Liên minh Châu Âu (EU), hứa hẹn trong tương lai gần sẽ sớm khắc phục được những vấn đề tồn tại.

Quá trình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới chưa thực sự hiệu quả

Từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Khai thác - BVNL Thủy sản phối hợp với các địa phương (Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia) tổ chức nhiều lớp tập huấn tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản 2017, các khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và các quy định về khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức thành công các lớp tập huấn, phổ biến luật, các quy định về biển đảo nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi khai thác trên biển.

Các hoạt động nói trên nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực, đã thu hút sự tham gia của hàng trăm ngư dân.

Cũng trong quý I/2018, các đơn vị chức năng của Sở NN-PTNT, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Đường thủy chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển. Tính đến 25/3 đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 267 loạt phương tiện, nhắc nhở 122 phương tiện, xử lý 40 vụ với tổng số tiền phạt 136 triệu đồng (khai thác sai vùng, sử dụng kích điện và vi phạm thủ tục hành chính).

Có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội và đông đảo ngư dân nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, từ nhận thức đến hành động của cán bộ, ngư dân.

Nâng cao hiệu quả cảng cá Lạch Hới

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung công tác quản lý, khai thác hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những vấn đề đáng lưu tâm. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra còn nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành ghi chép nhật ký khai thác; một số ngư dân vì lợi ích trước mắt vẫn ngang nhiên sử dụng kích điện, cố tình khai thác sai vùng; một số cán bộ tại các cảng chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản…


Tại buổi “kiểm tra hoạt động khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và làm việc với Ban quản lý (BQL) cảng cá Lạch Hới về tình hình quản lý, khai thác” mới đây, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định nhận thức của các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân về quản lý hoạt động khai thác thủy sản đã được nâng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tục phải đối mặt với xu hướng bảo hộ, phòng vệ thương mại từ các nước. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc khai thác, truy xuất và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu hải sản đưa vào chế biến chưa chặt chẽ và đầy đủ.

Về phía cảng cá Lạch Hới, tỉnh Thanh Hóa nhận thấy nhiệm vụ quản lý, khai thác nhìn chung chưa thực sự hiệu quả, tình hình chuyển biến chậm. Đơn vị chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; quá trình điều động tàu cá ra vào thiếu hợp lý, chưa khoa học; khai thác cầu cảng lãng phí (chỉ khai thác 74/262m cầu cảng hiện có); thiếu khu neo đậu nên không thu hút được các phương tiện cập cảng bốc dỡ hàng hóa, dẫn đến việc các DN chế biến hải sản trong khu vực cảng và vùng lân cận thiếu nguyên liệu, buộc phải sản xuất cầm chừng hoặc chuyển hình thức hoạt động...

Từ thực tế trên, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão theo đúng Quyết định số 2322/2015/QĐ-UBND ngày 24/6/2015; xây dựng phương án điều độ, ra vào bốc dỡ hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá; quy định cụ thể và đăng ký thời gian tàu thuyền lưu cầu cảng gắn với khung lệ phí khi neo đậu trong cầu cảng, đảm bảo vận hành phù hợp, khoa học.

Bên cạnh đó, BQL cảng cá Lạch Hới phải có kế hoạch đưa 262m cầu tàu vào khai thác, sử dụng. Đồng thời thực hiện ngay việc đóng mốc, thả phao chỉ giới xác định vùng để tàu thuyền neo đậu, ra vào bốc dỡ hàng hóa đảm bảo an toàn và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá theo đúng quy định.


Liên quan đến vấn đề này, tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo xây dựng phương án quản lý, khai thác, vận hành, trong trường hợp BQL cảng cá Lạch Hới không đủ khả năng sẽ chấp thuận chủ trương phối hợp xây dựng phương án xã hội hóa theo hướng giao cho doanh nghiệp đầu tư nạo vét, khai thác, vận hành một phần chiều dài cầu cảng (hiện có 100 - 150m cầu cảng bị bồi lắng, chưa được khai thác, sử dụng).

Trong tháng 4/2018 Chi cục Khai thác - BVNL thủy sản đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản vùng cửa sông, ven biển giữa hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia.

Đoàn công tác phát hiện có một số hộ dân làm nghề đăng, đáy khai thác tận thu làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và xâm lấn dòng chảy. Trước tình hình trên, đơn vị chức năng đã thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ 6 hàng đáy (gồm 25 miệng đáy và 5 hàng đăng).

Phạm Hồng

Tác giả: VIỆT KHÁNH - THANH NGA

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok