Mô hình Khu công nghiệp Hoàng Long. Ảnh: FLC |
Trước hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ; trong đó có những dự án đã triển khai gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành gây bức xúc cho người dân địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các giải pháp kiên quyết chấn chỉnh tình trạng này. Đây là sự quyết tâm của tỉnh cùng các địa phương trong cả nước trong quản lý sử dụng đất đai tránh thất thoát nguồn lực, tài nguyên quốc gia.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, địa bàn có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích gần 7.864 ha; trong đó, 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích trên 3.601 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích gần 824 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích gần 3.439 ha.
Sau khi được giao đất, cho thuê đất, đa số các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án đảm bảo theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết. Nhiều dự án đã hoàn thành, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Một số dự án có quy mô sử dụng lao động lớn, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, UBND tỉnh đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực triển khai, có những nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc còn chờ thời điểm. Ngoài ra, tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định pháp luật về giãn tiến độ thực hiện dự án và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.
Tại dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn, xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa được khởi công xây dựng vào năm 2009. Để thực hiện dự án, 206 hộ dân sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện phải thu hồi đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 40 ha. Khi dự án được khởi công xây dựng, người dân nơi đây rất vui mừng vì hy vọng sau khi đi vào hoạt động dự án sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, đến nay công trình đã ngừng thi công, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn nên không thể tiếp tục thực hiện dự án.
Tại công trường, đơn vị thi công mới thực hiện được hạng mục san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi và làm được tường rào, sau đó ngừng thi công cho đến nay. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy giờ bỏ không, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Là người sống ngay bên cạnh khu vực xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn, chị Phạm Thị Lan, trú tại xã Thúy Sơn cho biết: "Hồi mới triển khai dự án nhà máy xi măng này, chúng tôi nhường đất phải đi làm công nhân xa nhà. Nhưng một số người đã quá tuổi không công ty nào nhận vào làm việc".
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Ngọc Lặc, dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn ngừng do thiếu vốn. Hơn nữa nếu triển khai nhà máy xi măng này sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Do đó, huyện Ngọc Lặc đã kiến nghị cấp trên nhanh chóng thu hồi dự án và kêu gọi đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch chung đô thị và cảnh quan khu vực này.
Hay tại dự án dự án Nhà máy Nước sạch huyện Nông Cống có tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, nhà máy khởi công xây dựng quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019. Nhưng đã hơn 3 năm, nhiều hạng mục quan trọng của dự án vẫn chưa được thi công khiến người dân ở 12 xã của huyện Nông Cống và một số xã của huyện Như Thanh và thị xã Nghi Sơn vẫn mỏi mòn chờ nước sạch.
Sau hơn 3 năm phê duyệt đầu tư, trên khu đất mới xây thô được nhà điều hành 2 tầng của dự án Nhà máy Nước sạch huyện Nông Cống. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Dự án có diện tích hơn 3 ha đã được san nền và gần như bỏ hoang, khiến cây cỏ mọc um tùm, sắt thép hoen rỉ. Nhiều bao xi măng còn nguyên nhưng vứt bừa bãi ngoài trời đã biến thành đá. Trên khu đất, chỉ có nhà điều hành 2 tầng được xây thô, 2 hồ chứa nước chưa xây dựng bờ bao xung quanh. Chủ đầu tư chưa lắp đặt các hạng mục liên quan đến công nghệ như bể lọc, nhà máy hoá chất, bể chứa nước thải rửa lọc và xả cặn, bể lắng cặn, trạm bơm nước thô, trạm biến thế…
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để giải quyết những dự án chậm triển khai, quá hạn, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác phối hợp với các địa phương rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Cũng để tránh tái diễn tình trạng nhà đầu tư chậm triển khai dự án, UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án; không chấp nhận nhà đầu tư không bảo đảm nguồn vốn, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư. Nếu các chủ đầu tư vi phạm, UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha tránh lãng phí nguồn lực đất đai như: dự án Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo./.
Tác giả: Trịnh Duy Hưng
Nguồn tin: bnews.vn