Kinh tế

Thanh Hóa: Quy hoạch “chồng chéo” doanh nghiệp dệt may kêu khó

Thanh Hoá được chuyên gia đánh giá, trở thành trung tâm về lĩnh vực dệt may ở khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, quy hoạch ngành may lại đang bộc lộ bất cập, “chồng chéo” khiến doanh nghiệp gặp khó.

Cùng với tốc độ phát triển, ngành may mặc, da giày trong tỉnh đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đồng thời chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 200 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Với số lượng nhà máy, doanh nghiệp may mặc đầu tư mạnh vào Thanh Hóa như hiện nay, dẫn đến việc quy hoạch ồ ạt, thiếu tính toán đang vô tình đẩy doanh nghiệp vào khó khăn trong sản xuất

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may lĩnh vực công nghiệp chủ lực đạt hàng tỷ USD và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Theo quy hoạch phát triển dệt may đã được phê duyệt, đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu giá trị sản xuất ngành dệt may đạt 26.000 tỷ đồng trở lên. Giá trị xuất khẩu hàng hóa dệt may đạt 1.152 triệu USD.

Năm 2030, phấn đấu đưa giá trị sản xuất đạt 34.600 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt 1.600 triệu USD trở lên. Đây được xác định sẽ là một “đất diễn” rất tiềm năng của ngành công nghiệp dệt may trong việc sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may ra đời khiến nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao. Đáng chú ý là tại nhiều địa phương như: Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Yên Định…. mật độ của các nhà máy may lại tập trung quá cao tại một số khu vực. Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh về lao động, tiền lương…. Điển hình như tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), chỉ trong vòng bán kính khoảng 2km quanh thị trấn Bút Sơn, có đến 4 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động. Thậm chí có trường hợp, 2 doanh nghiệp may nằm ngay sát cạnh nhau. Điều này đang dẫn đến sự cạnh tranh lớn về thu hút, tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp.

Cũng trong tình trạng lo lắng việc thiếu hụt nguồn lao động, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Huy Linh cho biết: Hiện nay tại huyện Hoằng Hóa, Công ty may ngày càng mở rộng, do đó lao động sẽ tìm những đơn vị phù hợp hơn để nhảy việc. Công ty may chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng tuyển dụng.

"Với nhu cầu tuyển dụng thêm lao động trong năm 2019, ngoài việc phát tờ rơi, đăng thông báo tuyển dụng, công ty còn có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho công nhân 100 nghìn đồng/người tuyển dụng nếu mời gọi, giới thiệu được lao động cho công ty, nhưng tình hình cũng chưa khả quan", ông Lâm cho biết.

Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Tiên Sơn cho biết: Trên toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, thấy được rất rõ việc quy hoạch các doanh nghiệp, nhà máy ngành dệt may bộc lộc nhiều bất cập. Có thể thấy đó là một sự “chồng chéo” vô lý. Ví dụ như tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa có cả những công ty, xưởng may nằm sát cạnh nhau.

"Như vậy, vô tình đẩy các doanh nghiệp vào khó khăn, bị động trong tìm kiếm nguồn lao động và cũng dịch chuyển lao động trong doanh nghiệp. Chính những bất cập trong quy hoạch có vô tình đẩy doanh nghiệp quay sang cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều vấn đề hay không. Tại các cuộc họp và đối thoại với doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị nhưng có lẽ việc quy hoạch vị trí các nhà máy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đó là một cuộc chiến “dài hơi” khiến các ông chủ doanh nghiệp phải tự chủ động", ông Lâm nói.

Như vậy, thiếu hụt nguồn lao động đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may ở Thanh Hóa. Trước những bất cập trong quy hoạch cùng sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp dệt may hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như có nhiều chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động.

Tác giả: Kiều Phiên

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok