Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nữ giáo viên Trường Đào Duy Từ kêu cứu vì có nguy cơ mất việc

Dù được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, được xếp ngạch giáo viên trung học từ 10 năm trước, nhưng cô Lê Thị Hòa, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa. ẢNH MINH HẢI

Sở nói trường sai, giáo viên chịu thiệt

Theo phản ánh của cô Lê Thị Hòa (36 tuổi), giáo viên môn lịch sử Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa), năm 2008, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Trường đại học Vinh (Nghệ An), cô Hòa được Hiệu trưởng Trường THPT bán công Lưu Đình Chất (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhận vào giảng dạy môn lịch sử theo dạng hợp đồng thử việc.

Đến tháng 5.2010, Trường THPT Lưu Đình Chất được chuyển sang công lập thì toàn bộ cán bộ, giáo viên được chuyển sang biên chế, chỉ riêng cô Hòa không được đưa vào biên chế, với lý do mà Sở GD-ĐT Thanh Hóa lúc bấy giờ đưa ra là: “chưa có văn bản thỏa thuận với Sở GD-ĐT”.

Sau đó, được sự đồng ý của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, ngày 1.10.2010, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất đã ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với cô Hòa. Trong hợp đồng ghi rõ, cô Hòa được xếp ngạch giáo viên trung học mã số 15.113, dạng viên chức loại A1; được hưởng 100% lương bậc 1, hệ số 2,34. Sau khi ký hợp đồng, trường đã nộp hồ sơ và báo cáo về việc hợp đồng làm việc với cô Hòa và được Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa nhập hồ sơ cán bộ, giáo viên, có mã số 80003 để quản lý.

Do điều kiện gia đình, bố là bệnh binh liên tục đau yếu, chồng công tác ở xa, nên đến tháng 8.2012, cô Hòa xin được chuyển công tác về Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa). Cả Trường THPT Lưu Đình Chất và Đào Duy Từ đều đã có báo cáo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và được lãnh đạo Sở này đồng ý cho cô Hòa được chuyển công tác về Trường THPT Đào Duy Từ.

Cô Hòa đã gửi đơn trình bày sự việc của mình với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. ẢNH MINH HẢI

Đột nhiên, đến tháng 7.2016, khi Trường THPT Đào Duy Từ gửi danh sách giáo viên về Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa để duyệt biên chế năm học 2016 - 2017, thì lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa) trả lời là trường hợp cô Hòa không được tính trong định biên giao cho trường này vì không phải là viên chức.

“Tôi đã được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, được ngành giáo dục quản lý, được lãnh đạo Sở đồng ý cho chuyển công tác về Trường THPT Đào Duy Từ, giờ Sở lại nói là tôi không được tính trong định biên của trường thì quá vô lý".

Vì vậy, khi đó (năm 2016 - PV), cô Hòa đã làm đơn hỏi, thì được Sở trả lời là tôi thuộc diện hợp đồng lao động. Việc hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng làm việc và xếp ngạch, bậc lương là sai quy định(?).

"Rõ ràng, việc Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng với tôi có sự đồng ý của Sở GD-ĐT, tôi được xếp loại giáo viên trung học, có ngạch bậc lương, được Sở quản lý. Đặc biệt, nếu Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng sai quy định với tôi thì tại sao Sở lại đồng ý cho tôi chuyển trường về công tác tại Trường THPT Đào Duy Từ”, cô Lê Thị Hòa bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 10.2016, trong công văn trả lời Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa khẳng định Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, đồng thời xếp ngạch bậc lương cho cô Lê Thị Hòa là sai quy định, vì chưa qua thi tuyển, nên chưa phải là viên chức giáo dục. Đồng thời cho rằng, việc sử dụng hợp đồng làm việc là sai, chính xác phải là hợp đồng lao động.

Dù kết luận như vậy, nhưng kể từ đó đến nay, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa vẫn im lặng trước "sai phạm" của Trường THPT Lưu Đình Chất - đơn vị do chính Sở quản lý. Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa không hề có động thái nào xử lý sai phạm, cũng như điều chỉnh hợp đồng cho đúng quy định đối với cô Lê Thị Hòa, khi đến nay cô Hòa đã công tác trong ngành được 12 năm, là giáo viên giỏi, nhiều năm được Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen.

Muốn ở lại ngành thì phải đi vùng cao biên giới

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Nguồn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 100 giáo viên thuộc dạng hợp đồng với các trường và tất cả số giáo viên này đều chưa phải là viên chức.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, ngày 23.4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận để cho Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa tiến hành xây dựng phương án và thực hiện việc tuyển dụng 305 giáo viên. Nhưng trong số hơn 100 giáo viên thì chỉ có 66 giáo viên (trong đó có trường hợp cô Hòa) đủ điều điều kiện để tham gia xét tuyển trong đợt này.

Việc cô Hòa được ký hợp đồng làm việc đã 10 năm, nay bỗng dưng phải thi tuyển viên chức là hết sức thiệt thòi. Đặc biệt hơn, việc sắp xếp, đăng ký chỉ tiêu ở Trường THPT Đào Duy Từ cũng có bất cập, khi cô Hòa không được dự xét tuyển vào vị trí mà cô đang giảng dạy tại Trường THPT Đào Duy Từ.

Bởi, trong kỳ xét tuyển sắp tới, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã căn cứ vào đề án vị trí việc làm năm học 2019 - 2020 của các trường THPT gửi lên, trong khi năm học này đã sắp kết thúc, mà không căn cứ vào đề án vị trí việc làm giai đoạn 2020 - 2022 do Trường THPT Đào Duy Từ mới trình lên.

Trường THPT Đào Duy Từ, nơi cô Hòa công tác, cống hiến cho ngành giáo dục Thanh Hóa nhiều năm nay, nhưng đang có nguy cơ mất việc. ẢNH MINH HẢI

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, khẳng định trong đề án việc làm giai đoạn 2020 - 2022, thì trường này cần 4 giáo việc dạy sử (hiện tại cả cô Hòa nữa là 4, vừa đủ với nhu cầu và biên chế được giao).

Ông Tuấn cũng cho hay, trong đề án việc làm trên, nhà trường có đề xuất cả việc sử dụng cô Hòa tiếp tục làm giáo viên dạy sử. Tuy nhiên, khi cô Hòa đăng ký để được thi tuyển vào vị trí giáo viên sử của Trường THPT Đào Duy Từ thì không được Sở GD-ĐT chấp thuận. Muốn được thi tuyển, cô Hòa phải đăng ký đi huyện vùng cao Mường Lát, cách TP.Thanh Hóa gần 300 km.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chính Trường THPT Đào Duy Từ trong quá trình làm đề án vị trí việc làm cũng có dấu hiệu bất thường, nếu không nói là khuất tất. Những năm học trước, ở tổ giáo viên sử đều có 4 giáo viên, trong khi số lượng lớp và học sinh năm sau đều tăng so với năm trước. Nhưng bất thường là năm học 2019 - 2020, khi ông Trần Như Chuyên (hiện đã nghỉ hưu) làm hiệu trường nhà trường, thì vị trí giáo viên dạy môn lịch sử chỉ còn 3. Thực tế thì cô Hòa vẫn giảng dạy bình thường, đủ tiết.

Việc làm của ông Chuyên cùng với cách ứng xử trước vụ việc của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đang khiến nhiều giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ bức xúc. Một giáo viên (Thanh Niên chủ động không nêu tên) cho rằng, đó là cách hành xử thiếu cả tình cả lý của ngành GD-ĐT Thanh Hóa. Và, khi cô Hòa phải rời khỏi trường thì vị trí của cô sẽ dành cho ai trong năm học tới?

“Trong vụ việc này, cô Hòa không hề sai. Cái sai nếu có thuộc về Trường PTHT Lưu Đình Chất. Còn cái thiếu sót chắc chắn thuộc về Sở chứ không thuộc trách nhiệm ở cô Hòa. Cô ấy đã công tác tới 12 năm trong ngành giáo dục, trong đó có 8 năm ở Trường THPT Đào Duy từ. Cô là giáo viên dạy giỏi, có đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi chồng đi công tác xa. Giờ với việc không để cố ấy được dạy ở Trường THPT Đào Duy Từ nữa, chẳng khác gì hành động đẩy cô ấy ra khỏi ngành. Cô ấy không đáng bị ngành đối xử tệ như thế”, giáo viên này nói.

Tác giả: MInh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok