Theo báo Dân Việt, bà Lê Thị Minh (65 tuổi, trú tại thôn Thanh, xã Quảng Nham), cho biết: Gia đình bà trồng 10 sào (5.000m2) dưa hấu và 5 sào (2.500m2) khoai lang đang chuẩn bị thu hoạch thì gặp đợt mưa kéo dài. Nước ngập trắng ruộng khiến dưa hấu mất sạch, con khoai lang thì không kịp đào.
“Mọi năm, nhà tôi cũng trồng dưa hấu và khoai lang trên diện tích đất này. Khi dưa đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.000 đồng/kg, còn khoai lang cũng bán được 5.000 đồng/kg. Nhưng vụ này, dưa hấu đang bắt đầu thu hoạch thì gặp mưa, nước ngập úng mất hết cả rồi. Mấy sào khoai lang cũng chưa kịp đào, nên củ bị thối hết rồi chú ạ”- bà Minh buồn rầu nói.
Toàn bộ dưa hấu của người dân xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đều bị úng nước, không thể bán. (Ảnh: Dân Việt) |
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Gái (57 tuổi, ở thôn Hải, xã Quảng Nham) cũng trồng 18 sào (9.000m2 ) dưa hấu, nhưng nước đã ngập trắng băng, coi như mất sạch. Trưa nay, vợ chồng bà Gái huy động các con ra đồng vớt vát số dưa hấu bị chìm trong nước lên đưa về chất đống.
Nhìn đống dưa hấu chất đầy ở trong nhà, ngoài sân và ngoài vườn cây, bà Gái nghẹn ngào: “Mấy tháng trời, cả nhà bỏ công sức ra chăm bẵm gần hai mẫu dưa, đang chuẩn bị thu hoạch thì trời đổ mưa như trút. Chỉ trong đêm qua đến sáng nay, toàn bộ cánh đồng dưa, khoai lang và hoa màu của nhà tôi và bà con ở đây coi như mất trắng rồi”.
Trời vẫn đổ mưa nên người dân xã Quảng Nham đưa dưa hấu về nhà chất đống. (Ảnh: Dân Việt) |
Theo báo Thanh niên, buồn bã nhìn 6 sào dưa bị nước ngập trắng băng, bà Lê Thị Minh (65 tuổi, ngụ tại xã Quảng Nham), nói: “vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, chỉ trông chờ vào 6 sào đất trồng dưa ở khu vực ven biển để sinh sống. Nhưng mấy ngày qua mưa như trút nước, cả 6 sào dưa đều bị ngập trắng, úng nước không thể bán. Tiếc quá, vợ chồng tôi ra vớt về đổ ở nhà cho bà con ai ăn được thì lấy, còn không cũng vứt bỏ thôi”.
Theo tính toán của nông dân trồng dưa hấu ở xã Quảng Nham, bình quân mỗi sào (500m2) dưa hấu cho thu hoạch khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán bình quân tại ruộng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg thì mỗi sào dưa hấu, người trồng dưa cũng thu về hơn chục triệu đồng mỗi vụ.
Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: “Chúng tôi đã thống kê toàn bộ diện tích dưa hấu và hoa màu của bà con tập trung canh tác ở khu vực thôn Tân, cho thấy có khoảng 20 ha với 53 hộ dân tham gia canh tác đã bị nước nhấn chìm. Bà con đang tranh thủ ra đồng thu hoạch dưa và khoai lang về nhà, nhưng có đưa về nhà thì cũng chưa chắc đã bán được cho ai. UBND xã đang làm báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra để trình lên huyện, có hướng hỗ trợ cho bà con”- ông Lờ cho hay.
Người dân vớt dưa hấu bị ngập úng về cho bò ăn. (Ảnh: Dân Việt) |
Theo ghi nhận, từ ngày 13-17/7, tất cả các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đều có mưa, lượng mưa trung bình từ 150-250 mm. Hiện tỉnh này có hàng nghìn héc ta lúa vụ hè thu của người dân bị ngập. Một số tuyến sông lớn, như: sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày… nước đều đang dâng. Riêng sông Yên chảy qua địa bàn huyện Nông Cống mực nước đã trên mức báo động 1 và đang tiếp tục dâng cao.
Tại thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), mưa đã làm ngập 4 ngôi nhà, 6 ngôi nhà khác bị cô lập do nước mưa đổ xuống không có lối thoát. Ngày 16.7, UBND huyện Tĩnh Gia đã phải huy động lực lượng quân đội, chính quyền địa phương và người dân phá một đoạn đê sông nhà Lê để nước từ khu dân cư thoát ra sông.
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua cũng đang khiến nhiều khu vực tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bị cô lập, nhiều gia đình phải sơ tán do nguy cơ sạt lở đất. Tại xã Lũng Niêm (huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), chính quyền địa phương vừa phải tổ chức sơ tán 6 hộ dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở cao ra các khu vực trung tâm, gần đường giao thông chính để dựng lán ở tạm.
Ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến một số vị trí đồi núi gần khu dân cư tại xã Lũng Niêm xuất hiện hiện tượng lún, nứt. Để đảm bảo an toàn, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo chính quyền xã sơ tán người và tài sản của 6 hộ dân đến nơi an toàn. Cũng theo ông Khoa, nếu tình hình mưa lũ còn kéo dài, nguy cơ sạt lở là rất cao, địa phương đang chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm để tiếp tục di dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tác giả: AN NHIÊN
Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật