Không những thế các công trình phục vụ nông thôn mới, có công trình còn đang dở dang nhưng phía xã cũng chậm trễ trong việc thanh toán cho các doanh nghiệp, như vậy tài chính không minh bạch đã phần nào đẩy đơn vị thi công của xã vào cảnh “sống dở, chết dở” còn người dân thì lo lắng không kém.
Năm 2018, trước khi sáp nhập, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa có 8 thôn. Thời điểm này, UBND xã Hoằng Xuyên do ông Lê Hoàng Ba là Chủ tịch và ông Ba cũng là chủ tài khoản ngân sách của địa phương này.
Theo quy định, mỗi ban cán sự thôn thuộc xã Hoằng Xuyên được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, các đoàn thể trong thôn được hỗ trợ 8 triệu đồng (MTTQ, đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Nông dân) để hoạt động.
Tuy nhiên, hết năm tài chính 2018, UBND xã Hoằng Xuyên vẫn không chi trả số tiền hỗ trợ trên về cho các thôn. Giai đoạn từ năm 2018 - 2020, các thôn nhiều lần đề nghị nhưng UBND xã Hoằng Xuyên vẫn "khất nợ".
Sau nhiều lần "đòi nợ", năm 2020 xã Hoằng Xuyên sáp nhập xã Hoằng Khê vào xã Hoằng Xuyên lấy tên là xã Hoằng Xuyên ông Lê Hoàng Ba làm chủ tịch mới chi trả số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ cho ban cán sự thôn, còn 8 triệu đồng tiền hỗ trợ các tổ chức đoàn thể của thôn hoạt động vẫn chưa thấy tăm hơi.
Theo Báo cáo số 31/BC - UBND ngày 20/7/2020 của UBND xã Hoằng Xuyên trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 13, HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021 có nêu: “Cử tri thôn Trung Tiến, Long Xuân đề nghị UBND xã chi thanh toán kinh phí hoạt động của thôn và ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể, kinh phí khu dân cư năm 2018 cho 8 thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cũ và kinh phí dồn điền đổi thửa lần 3 cho các thôn thanh toán tiền lao động. Theo đó, UBND xã đã chi trả cho ban công tác mặt trận (8 thôn cũ) mỗi thôn 5 triệu đồng), còn 8 triệu hoạt động của thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể do ngân sách xã sau khi sáp nhập chưa cân đối được nên UBND xã sẽ thanh toán vào dịp cuối năm 2020".
Xã Hoằng Xuyên còn nợ 25 tỷ đồng của người dân |
Nhưng theo tìm hiểu của PV, đến giữa tháng 3/2021, số tiền hỗ trợ các thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể của 8 thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cũ (64 triệu đồng) vẫn chưa được UBND xã này chi trả.
Trao đổi với ông Chu Văn Đoàn, chánh văn phòng UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: “Huyện đã nắm được vấn đề trên, đang cho giải quyết để báo cáo lên tỉnh sau đó sẽ cung cấp văn bản báo cáo cho cơ quan báo chí”.
Đặc biệt, thời điểm hiện tại có hàng trăm hộ dân thuộc xã Hoằng Xuyên, đã bị chính quyền địa phương thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công con đê và tuyến đường giao thông gần 2 năm nay, nhưng chưa được chi trả tiền đền bù, hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ này do ngân sách cấp trên cấp, nhưng xã đã sử dụng chi cho các hoạt động khác khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang khi không biết số tiền đền bù của gia đình mình sẽ “đi đâu về đâu” và bao giờ mới được nhận.
Theo tìm hiểu, hiện tại UBND xã Hoằng Xuyên đang nợ nhiều tổ chức, các nhân tổng số tiền khoảng 25 tỷ đồng tiền đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để xã được công nhận Nông thôn mới. Và một điều dễ dẫn thấy khi, dường như địa phương này đang lúng túng trong việc giải quyết công nợ cho người dân rồi ra sức bán đấu giá các lô đất trên địa bàn để lấy tiền trả nợ.
Trước những thông tin trên,việc cân đối ngân sách không hợp lý dẫn đến xã Hoằng Xuyên nợ lên con số 25 tỷ đồng, rồi tiền đền bù GPMB gần 2 năm nay cho các hộ dân chưa được giải quyết là một dấu hỏi lớn về công tác quản lý, chi tiêu của chính quyền xã cũng như việc chăm lo đời sống cho người dân nơi đây?
Tác giả: Vương Băng
Nguồn tin: kinhdoanhvabienmau.vn