Điểm tập kết bao bì được chất thành đống hai bên đường. |
Sống chung cùng ô nhiễm
Qua tìm hiểu, trên địa bàn xã Thái Hòa bắt đầu xuất hiện hoạt động thu gom, tái chế bao bì từ năm 2013. Ban đầu chỉ có 4-5 cơ sở, đến nay, số lượng các cơ sở giặt, tái chế bao bì tại xã lên tới con số 28. Người dân ở đây cho biết, việc tái chế bao bì tại các cơ sở trên địa bàn xã là hoạt động tự phát của các hộ gia đình đã tồn tại qua nhiều năm, phần lớn các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, số còn lại nằm dọc chân đê sông Nhơm. Hệ thống trang thiết bị của các cơ sở tái chế bao bì khá sơ sài, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, công nhân không sử dụng bảo hộ lao động.
Quan sát thực tế tại các cơ sở, chúng tôi nhận thấy, nguồn nguyên liệu của họ chủ yếu là bao bì sản phẩm và bao bì xi măng. Các loại bao bì này được thu gom từ các huyện rồi được chở trực tiếp về các cơ sở để tái chế. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải di chuyển về các thôn, xóm để tập kết bao bì gây nên tình trạng sụt lún và mất an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường. Sau khi bao bì được tập kết, các cơ sở cho hết vào máy giặt, giặt trong khoảng 15 phút. Từ đó, hàng trăm bao xi măng đen kịt đã được giặt sạch, trở nên trắng tinh, sạch sẽ. Những thứ còn lại là bụi bẩn, cát, bột và nước thải sẽ được các cơ sở cho vào bể lắng lọc rồi xả xuống sông Nhơm. Tuy nhiên, hầu hết các bể lắng ở đây xây dựng tạm bợ, đã quá tải, mất vệ sinh.
Theo ghi nhận, ngoài việc xả thải ra sông Nhơm gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở tái chế bao bì này còn đốt các chất thải rắn ngay tại xưởng khiến khói đen bay ngập trời, gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Ông N.V.T, một người dân sống ngay cạnh xưởng tái chế bức xúc nói: “Họ hoạt động 9 tiếng mỗi ngày nên điếc tai lắm, nước thải thì xả trực tiếp ra ao nhỏ ngay cạnh nhà tôi đây này. Giờ nhà tôi và người dân ở cả cái xã này phải đi mua máy lọc để dùng chứ nước thải bẩn ngấm hết vào lòng đất rồi”.
Ông Thiều Đình Oanh, trưởng thôn Thái Phong cũng cho rằng: “Các cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu tại xã đều hoạt động theo hình thức hộ gia đình nên không có các điều kiện đảm bảo môi trường, xử lý chất thải, nước thải theo quy định”.
Đã xử phạt nhưng vẫn tiếp diễn
Trước những tác động xấu đến môi trường của các cơ sở này thì cuối năm 2018 Sở TNMT Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 28 cơ sở với số tiền phạt 792 triệu đồng, buộc 21/28 cơ sở dừng hoạt động sản xuất 6 tháng. Nhưng theo người dân địa phương thì chỉ sau một thời gian ngắn, các cơ sở này lại tiếp tục tái hoạt động công khai. Họ vẫn tiếp tục xả thải và đốt rác gây ô nhiễm mặc cho người dân phản đối.
Về vấn đề bụi, ô nhiễm nước thải của các xưởng tái chế, ông Trịnh Văn An - Phó chủ tịch UBND xã Thái Hòa thừa nhận: Có tình trạng các cơ sở giặt, tái chế bao bì hoạt động gây ô nhiễm như người dân phản ánh. Qua nhiều lần kiểm tra, xã cũng đã nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính, song tới nay họ vẫn chưa khắc phục. “Trước tình hình trên, năm 2018 chúng tôi cũng đã đề xuất lên huyện quy hoạch một khu vực cho các hộ tái chế bao bì này hoạt động tập trung nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Trước mắt, xã sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra, xử lý và có hình thức phạt thật nặng đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, còn về lâu dài thì vẫn phải tiếp tục chờ huyện thôi”- ông An phân trần.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân - Phó phòng TNMT thuộc UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Đơn vị đã nắm được tình trạng các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm trở lại. Sắp tới, huyện Triệu Sơn sẽ phối hợp với Sở TNMT Thanh Hóa mời một đơn vị về khảo sát đánh giá thực trạng môi trường tại các cơ sở này. Dựa trên kết quả này, đơn vị sẽ đưa ra công nghệ xử lý nước thải thí điểm tại một vài cơ sở trước. Khi đã có phương án mà các hộ tiếp tục không làm thì phòng TNMT sẽ đề xuất lên huyện đình chỉ hoạt động”- bà Xuân khẳng định.
Tác giả: Đình Minh - Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết