Trong tỉnh

Thanh Hoá: Nhất thể hoá để tránh bất đồng bí thư với chủ tịch

Ông Lê Văn Tùng, Phó Ban Tổ chức TP Thanh Hoá, cho rằng, việc nhất thể 2 chức danh sẽ tránh được sự chồng chéo, bất đồng quan điểm giữa người đứng đầu.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư kiêm Chủ tịch phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá cho biết, so với trước đây, công tác điều hành cấp uỷ và cấp chính quyền thuận lợi hơn. Không còn tình trạng “bí thư chờ chủ tịch, chủ tịch chờ bí thư” dẫn đến trì trệ công việc.

Bà Nguyễn Thị Tâm

Bà Tâm chia sẻ, giữa năm 2017, phường Đông Thọ đưa ra chủ trương thực hiện mô hình công nghệ số nhà xanh thông minh. Thời điểm đó có ý kiến nên lắp bảng điện tử thông báo với mức đầu tư gần 300 triệu đồng, thế nhưng là người đứng đầu cấp uỷ, bà Tâm nhận thấy đầu tư như vậy quá tốn kém, không đem lại hiệu quả thiết thực.

Sau đó cấp uỷ cho ý kiến, thay vì lắp bảng điện tử thì lắp camera, với mức chi phí gần 100 triệu đồng, tại những khu vực trọng yếu sẽ đem lại hiệu quả hơn. Chủ trương được HĐND phường chấp thuận.

Không còn bí thư muốn làm trường, chủ tịch lại muốn làm đường

Bà Tâm chia sẻ: “Mình là người đưa ra chủ trương, nhưng cũng là người chịu trách nhiệm thực hiện, vì thế phải có tính khả thi và được HĐND đồng ý dựa trên tinh thần công khai, dân chủ thì mới dám quyết, dám làm”.

Ông Lê Văn Tùng, Phó Ban Tổ chức TP Thanh Hoá, người từng kinh qua chức vụ bí thư kiêm chủ tịch phường Đông Thọ cho rằng, việc nhất thể 2 chức danh sẽ tránh được sự chồng chéo, bất đồng quan điểm giữa người đứng đầu cấp uỷ và người đứng đầu chính quyền.

“Sẽ không còn câu chuyện ông bí thư muốn làm trường nhưng ông chủ tịch lại muốn làm đường trong khi tiền chỉ có một khoản nhất định để đầu tư xây dựng”, ông Tùng nói.

Ông Lê Văn Tùng (trái) và Bí thư kiêm chủ tịch xã Đông Vinh Lê Hoàng

Theo ông Lê Hoàng - Bí thư kiêm chủ tịch xã Đông Vinh (TP Thanh Hoá), khi nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch xã, có ý kiến lo ngại nếu anh vừa là người đưa ra chủ trương, vừa là người thực hiện chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và có thể dẫn tới lạm quyền.

Thế nhưng, thực tế để đưa ra quyết định cuối cùng thì người đứng đầu vẫn phải dựa trên ý kiến tập thể, phải công khai minh bạch trong tổ chức cấp ủy, cấp chính quyền và HĐND.

Bí thư kiêm chủ tịch không phải người địa phương

Ông Đàm Văn Thê, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ TP Thanh Hoá cho biết, để làm tốt việc nhất thể hoá bí thư và chủ tịch UBND cấp xã phường, TP đã đưa ra chủ trương luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải người địa phương.

Thời gian đầu điều động cán bộ về làm bí thư kiêm chủ tịch phường xã, có ý kiến lo ngại cán bộ không phải người địa phương sẽ không nắm được địa bàn cơ sở nên khó điều hành công việc.

Ông Mai Xuân Liêm, Bí thư Thành uỷ Sầm Sơn nêu thực tế, TP có 12/14 xã phường bí thư hoặc chủ tịch không phải là người địa phương. Nhiều người sau khi điều chuyển đến làm chủ tịch hoặc bí thư ở phường xã khác đã thừa nhận: Khi làm việc ở địa phương cũ rất khó do vướng anh em họ hàng, người quen...

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá Lại Thế Nguyên, khi nhất thể bí thư kiêm chủ tịch xã phường, để hoạt động thực sự có hiệu quả cần phải chọn được người có năng lực chuyên môn, có tâm trong sáng. Có như vậy người được giao đảm nhiệm 2 chức vụ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tỉnh hiện có 421/635 xã, phường, thị trấn có bí thư, chủ tịch UBND không phải là người địa phương.

Những người được luân chuyển để đào tạo phát triển lên nên họ có chí phấn đấu, hết lòng với công việc.

Cần cơ chế hoạt động bí thư kiêm chủ tịch

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá cho rằng, để việc nhất thể hoá đạt hiệu quả, TƯ cần ban hành quy chế mẫu về hoạt động của bí thư đảng bộ kiêm chủ tịch UBND xã, phường để thuận tiện trong công tác điều hành.

“Hiện nay quy định tập thể Đảng uỷ là một cấp, tập thể UBND cũng là một cấp có thẩm quyền giải quyết công việc, cá nhân chủ tịch UBND cũng có thẩm quyền giải quyết công việc theo luật định.

Bởi vậy, cần có quy chế, quy định rạch ròi thẩm quyền để giải quyết mối quan hệ làm việc giữa tập thể cấp uỷ, tập thể UBND và cá nhân bí thư kiêm chủ tịch UBND. Tránh tình trạng làm quyền hoặc ỷ lại, dẫn đến việc gì cũng phải xin ý kiến tập thể, tạo nên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”, ông Nguyên nói.

Ông Đàm Văn Thê

GĐ Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng chia sẻ thêm, dù có nhất thể hay không, chủ tịch, ông bí thư vẫn có thể lạm quyền nếu như các cấp, các tổ chức cá nhân không kiểm soát.

“Đảng uỷ có ban chấp hành, ban thường vụ và có các quy chế cho ý kiến thì người đứng đầu Đảng uỷ mới giám quyết. Tương tự ở cấp chính quyền UBND cũng vậy, ngoài chủ tịch thì còn có phó chủ tịch, HĐND giám sát. Nếu có xảy ra việc lạm quyền chẳng qua các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bỏ qua quyền giám sát, không thực hiện tốt công việc của mình”, ông Tùng nói.

Ông Lại Thế Nguyên cho hay, Thanh Hoá có 635 xã, phường, thị trấn đã bố trí bí thư đảng bộ kiêm chủ tịch HĐND xã phường, thị trấn hoặc Phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND xã phường, thị trấn - không có người chuyên trách chủ tịch HĐND xã phường.

Trưởng ban HĐND cấp huyện, tỉnh đều thực hiện cơ chế kiêm nhiệm. Trưởng các ban của huyện, thị, thành uỷ được bố trí kiêm Trưởng ban HĐND cùng cấp.

Trưởng các ban của Tỉnh ủy được bố trí kiêm trưởng các ban của HĐND tỉnh như: Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh, Chủ nhiệm UB Kiểm tra kiêm Trưởng Ban Pháp chế...

Tác giả: Vũ Điệp - Kiên Trung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok