Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nhà máy xử lý rác “bức tử” khu dân cư đến bao giờ mới được giải quyết dứt điểm?

Không phù hợp với quy hoạch, nằm gần khu dân cư, bệnh viện… nhưng nhà máy xử lý rác vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay, khiến người dân bức xúc.

Dân “kêu trời” vì ô nhiễm

Nhà máy xử lý rác thải thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà (gọi tắt là Công ty rác Hoàng Hải Hà) đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay. Theo thiết kế được phê duyệt, Nhà máy sẽ xử lý rác cho xã Quảng Tân và thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (các đơn vị này sáp nhập thành thị trấn Tân Phong). Mặc dù Nhà máy xử lý rác này cách khu dân cư chỉ vài trăm mét, gần trường học, cạnh nghĩa trang... thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn cấp phép cho hoạt động?.

Nhà máy xử lý rác của Công ty Hoàng Hải Hà nằm cạnh nghĩa trang và cách khu dân cư chỉ vài trăm mét.


Do khoảng cách quá gần, không đảm bảo theo quy định nên hàng trăm hộ dân sống gần Công ty rác Hoàng Hải Hà phải “kêu trời” vì không khí ô nhiễm bao trùm. Những hôm trời nồm, gió đông, mùi hôi, khét bủa vây khiến cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Mặc dù nhà máy xử lý rác đóng trên địa bàn của thị trấn Tân Phong, nhưng lại gần khu dân cư xã Quảng Trạch nên hàng trăm hộ dân nơi đây phải "kêu trời" vì không khí ô nhiễm. Theo UBND xã Quảng Trạch, nhiều năm qua, khoảng 3 nghìn nhân khẩu thuộc các thôn Trạch Trung, Câu Đồng, Mỹ Khê, Trạch Hồng xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương rất bức xúc, đã làm đơn và kéo lên xã Quảng Trạch để kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy đốt rác của Công ty rác Hoàng Hải Hà.

Ông Lê Văn H., người dân ở thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch bức xúc: “Từ khi nhà máy rác này đi vào hoạt động, người dân chúng tôi bị tra tấn suốt nhiều năm qua. Họ đốt vô tội vạ, đốt không kể ngày hay đêm, mùi hôi thối, khét rất kinh khủng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khổ nhất là trẻ nhỏ, lúc nào cũng phải đeo khẩu trang mỗi khi lò đốt rác hoạt động. Mong cơ quan chức năng có phương án giải quyết giúp dân”.

Một người dân ở thôn Trạch Đồng chỉ tay về nhà máy xử lý rác than thở: “Các anh thấy đó, nhà máy rác rất gần với trường học và trạm y tế xã. Mùi khét bủa vây thế này thì người dân chúng tôi làm sao chịu nổi. Sống thế này thì mang bệnh mà chết. Cứ thấy bảo nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mà dân khổ quá".

Ông H.V.N (76 tuổi), là cựu chiến binh, thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch cho biết: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi lần đốt rác cùng gió Đông Nam là người dân trong thôn hứng đủ mùi hôi, khét rất khó chịu. Để di chuyển cả 1 nhà máy đi nơi khác cần phải có thời gian. Trước mắt chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng yêu cầu phía công ty phải có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Nơi tập kết rác của Công ty rác Hoàng Hải Hà


Còn ông Hoàng Khắc Tư, Trưởng thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên xã, đặc biệt mỗi lần tiếp xúc cử tri người dân đều phản ánh lên cơ quan chức năng, nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện”.

Ông Ngô Tiến Vui, Trưởng thôn Trạch Trung, xã Quảng Trạch bức xúc: “Thôn Trạch Trung với hơn 600 nhân khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khổ nhất là người già và trẻ em luôn bị tra tấn bởi mùi khét, hôi. Nước trong bãi rác của nhà máy chảy ra khiến môi trường càng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”.

Theo quan sát của phóng viên, xung quanh khu vực nhà máy xử lý rác thải của Công ty rác Hoàng Hải Hà có hàng chục hécta đất nông nghiệp bỏ hoang không thể sản xuất. Nhiều loại rác thải được chất thành đống cao như núi, mỗi khi mưa xuống là nước rác ngấm qua chân tường rào ra phía bên ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Không phù hợp với quy hoạch

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Cao Tám, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết: “Nhà máy xử lý rác của Công ty Hoàng Hải Hà đóng trên địa bàn thị trấn nên chúng tôi không có chức năng kiểm tra, giám sát. Người dân nhiều năm qua kêu trời vì lò đốt rác thải đốt ngay gần khu dân cư. Các thôn Trạch Trung, Câu Đồng, Mỹ Khê, Trạch Hồng với khoảng 3 nghìn dân bị ảnh hưỏng”.

“Nhiều hôm người dân phản ánh về mùi khét nồng nặc của vải vóc, cao su nhưng xã làm không có thẩm quyền kiểm tra. Đã nhiều lần dân kiến nghị, tiếp xúc cử tri phản ánh rất gay gắt, nhưng chúng tôi cũng bất lực, chỉ kiến nghị cấp trên sớm xem xét di dời nhà máy xử lý rác này. Bởi hiện tại rác của người dân Quảng Trạch đang được thu gom, xử lý tại nhà máy rác thải Đông Nam” - ông Tám cho hay.

Nhà máy xử lý rác của Công ty Hoàng Hải Hà khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn bị đảo lộn


Còn ông Chu Đức Khương, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Quảng Xương xác nhận về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty rác Hoàng Hải Hà gây ra: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng huyện đã xuống kiểm tra và có quyết định xử phạt công ty. Chúng tôi đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo lộ trình cuối năm 2025 nhà máy phải di dời đi nơi khác”.

Còn Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Đức Thịnh cho hay: “Khi tôi về nhận nhiệm vụ tại đây đã có nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn. Theo quy hoạch là không phù hợp, lại ngay sát cạnh nghĩa trang, khu dân cư nên nhà máy cần sớm di dời. Ở đâu cũng thế thôi, rác thải là vấn đề, việc xử lý rác thải không thể tránh khỏi cái này, cái kia. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát để không phát sinh thêm vấn đề trong khi chờ chủ trương giải quyết hợp lý, vừa đảm bảo môi trường vừa không ảnh hưởng tới nhà đầu tư”.

Tác giả: Hoàng Minh

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok