Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nhà máy chế biến nông sản Tâm Phú Hưng không đảm bảo PCCC

Nhà máy chế biến nông sản Tâm Phú Hưng của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn tại huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đi vào hoạt động khi chưa được cấp giấy phép về PCCC.

Theo Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 5/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn (sau này đổi tên thành Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng) tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) do Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư.

Chủ trương ban đầu, dự án sẽ có quy mô gồm: Nhà máy sấy, xay xát lúa gạo xuất khẩu với công suất sấy 1.800 tấn/ngày, sản xuất 100.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng 150 lao động. Nhà máy chế biến nông sản với công suất 10.000 tấn/năm, sử dụng 400 lao động. Diện tích đất dự kiến sử dụng: Khoảng 9,63ha (Nhà máy sấy, xay sát lúa gạo xuất khẩu khoảng 5,65ha, Nhà máy chế biến nông sản khoảng 3,98ha).

Dự án trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa


Dự án được phê duyệt nhằm mục tiêu Xây dựng mới Nhà máy sấy, xay xát lúa gạo xuất khẩu và Nhà máy chế biên nông sản góp phần phát triên ngành công nghiệp chế biến của tỉnh, cung cấp nguồn gạo và sản phẩm nước trái cây chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước.

Ghi nhận thực tế hiện nay cho thấy, dự án mới chỉ thực hiện giai đoạn đầu, với quy mô gồm: một nhà xưởng sấy lúa 1 tầng, diện tích xây dựng 2800m2; nhà xưởng xay xát 1 tầng, diện tích 2880 m2.

Nhà máy sấy và xay xát lúa của dự án vẫn chưa được nghiệm thu PCCC


Đáng chú ý, hiện nhà máy sấy và xay xát lúa gạo Tâm Phú Hưng đang đi vào hoạt động sản xuất bất chấp việc chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), chưa được Công an tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép PCCC.

Cụ thể, chủ đầu tư đã thi công các hạng mục của nhà máy không đúng thiết kế đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt, do đó công trình không đủ điều kiện PCCC.

Theo kết quả kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm tháng 5/2022, nhà máy có một số hạng mục thi công không đúng thiết kế đã thẩm duyệt. Cụ thể: chủ đầu tư đã tự ý xây dựng thêm nhà mái che giữa hai nhà xưởng sấy và nhà xưởng xay xát, không đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động; không đảm bảo việc ngăn cháy, chống cháy lan.

Một số hạng mục của nhà máy thi công không đúng thiết kế đã được thẩm duyệt dẫn tới không đảm bảo PCCC


Cơ quan công an cũng chỉ ra, việc thi công ao nước chữa cháy chưa đảm bảo theo thiết kế được duyệt (phải thi công bể nước Ngoài ra, tại khu chắn bụi nhà xưởng sấy, thi công đường, lối thoát nạn chưa đảm bảo.

Do đó, nhà máy chưa đảm bảo các điều kiện để nghiệm thu và cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.

Mặc dù cơ quan công an đã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các hạng mục công trình nhằm khắc phục các vi phạm, đảm bảo PCCC theo đúng hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt.

Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư không đưa các hạng mục công trình vào sử dụng khi chưa được Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Thanh Hóa cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV đến tháng 4/2024, các hạng mục vi phạm trên vẫn còn tồn tại, chưa được chủ đầu tư là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn khắc phục. Như vậy, hiện công trình đang vận hành trái quy định khi không đảm bảo PCCC.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
“Điều 38. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng
[…]
4.Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.



Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok