Trong tỉnh

Thanh Hóa: Người dân kêu cứu vì cho rằng thu hồi đất chưa đảm bảo quy định

Cho rằng việc áp giá đền bù không đúng với thực tế, xác minh sai nguồn gốc đất, các hộ dân tại xã Xuân Thắng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã làm đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng, đề nghị xem xét có chính sách phù hợp để họ sớm ổn định cuộc sống.

Báo Công lý nhận được đơn kêu cứu của nhiều hộ dân ở thôn 12, xã Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân), phản ánh việc đất vườn, đất nông nghiệp của họ khai hoang và sản xuất ổn định lâu nay bị thu hồi phục vụ dự án tuyến đường 12 nối quốc lộ 47 với đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Xuân Thắng, bị áp giá đền bù, xác minh nguồn gốc đất không đúng với thực tế, đẩy người dân vào cảnh thiệt đủ đường.

Thôn 12 của xã Xuân Thắng có 5 hộ thuộc diện phải thu hồi đất, diện tích đất sử dụng trước đây là bãi đá ong bỏ hoang, được các hộ khai hoang từ những năm 1978 trở về trước. Chủ yếu là những gia đình thuộc diện chính sách, có công với Cách mạng như thương binh, bệnh binh. Vì vậy, đây được gọi là “đồi các cụ hay đồi 71”.

Người dân phản ảnh với phóng viên

Ông Hoàng Minh Cửu (SN 1944, trú tại thôn 12) cho biết: Vào năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa dự án làm đường 12 nối QL 47 với đường mòn Hồ Chí Minh. Các hộ dân hoàn toàn đồng ý với dự án của tỉnh nhưng họ không đồng ý với cách làm của Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện khi đưa ra quyết định thu hồi đất không đúng quy định và không đúng với thực tế tại đây.

“Nguồn gốc đất ở đây đều có từ trước năm 1980, các hộ dân chúng tôi ở đây phải bỏ ra rất nhiều công sức để khai hoang biến những đồi đá thành những mảnh đất màu mỡ để trồng mía, trồng ngô, trồng sắn như bây giờ. Từ đó đến nay, chúng tôi sinh sống và sử dụng ổn định không ai hỏi han. Từ khi có dự án đi qua những mảnh đất của chúng tôi thì nảy sinh việc”, ông Cửu cho biết thêm.

Cũng theo các hộ dân thì đất của họ đều có nguồn gốc từ trước năm 1980 nên rõ ràng đất bị thu hồi cũng phải được bồi thường theo giá trị thực tế. Nhưng ở đây, giá đền bù cũng không đúng với giá trị thực tế của đất trên thị trường. Bởi vậy, họ mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết đúng theo quy định của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Khu vực đất của các hộ thôn 12 nằm trong dự án GPMB

Nhiều hộ dân cho biết thêm, khi biết được về giá đền bù thì người dân vô cùng “sốc”. Do việc áp giá đền bù 40.000 đồng/m2 thì số tiền người dân nhận được theo phương án này chẳng khác nào đẩy họ vào đường cùng.

Cuộc họp ngày 12/4/2018 đã mở ra ở UBND xã Xuân Thắng giữa Ban GPMB huyện Thọ Xuân, các hộ gia đình thuộc diện GPMB xóm 12, đại diện UBND xã Xuân Thắng và Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng. Trong cuộc họp này, đại diện Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng phát biểu ý kiến: Từ trước tới nay Công ty không quản lý đối với diện tích thửa đất các hộ này, không có hợp đồng ký kết nào, do đó Công ty không tham gia và không xác nhận với diện tích trên. Tuy nhiên, không hiểu với mục đích gì mà Hội đồng GPMB huyện Thọ Xuân lại quy kết diện tích đất của các hộ dân thuộc đất Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng một cách thiếu căn cứ.

Được biết, đây là tuyến đường thuộc dự án trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Một dự án lớn lại “làm tắt” nhiều bước đến người dân cũng ngỡ ngàng khi bỗng nhiên nhận Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất ngày 26/7/2018. Trước những bất cập trong phương án áp giá đền bù thu hồi đất, người dân buộc phải làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tác giả: Thành Phan - Quốc Huy

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: người dân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok