Trong tỉnh

Thanh Hoá: Người dân bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ trang trại bò sữa

Dù đến ngày xả thải nhưng Công ty TNHH 2 thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không thể thực hiện được do chưa nhận được sự đồng thuận của chính quyền và người dân địa phương. Một khối lượng lớn chất thải từ trang trại chăn nuôi bò bị tồn đọng, hàng nghìn người dân địa phương phải chịu sự “tra tấn” bởi mùi hôi, thối bốc ra từ đây.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa được triển khai theo quyết định số 5359/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Thanh Hoá, có tổng mức đầu tư 3.800 tỉ đồng, quy mô đàn bò 20.000 con, xây dựng hai cụm trang trại. Dự án bước vào giai đoạn vận hành từ ngày 12/12/2022 và cho đến nay tổng đàn bò đã lên tới 4.125 con. Mặc dù số lượng bò mới chỉ đạt 1/5 quy mô (giai đoạn 1) nhưng dự án đã nảy sinh những vấn đề liên quan đến môi trường, khiến người dân bất an.

Điểm trang trại gần thôn Lâm Hoà gây mùi nồng nặc



Ông Nguyễn Văn Đài ở thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ cho biết, gia đình ông và người dân phải hứng chịu mùi hôi thối từ trang trại bò cả ngày lẫn đêm.

"Cả ngày cả đêm, không thể chịu nổi. Nhất là nửa khu dưới kia, gần bãi thải, mần kiểu chi chứ dân xung quanh đây sống sao được. Cứ thường xuyên như thế, nhất là về đêm họ lùa phân, thối không ngủ được. Nói chung là chúng tôi không biết là nước bẩn hay sạch, nhưng nước như đầu cống xuống là đen"- ông Đài nói.

Ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng thôn Lâm Hoà cho rằng, vị trí trang trại gần dân không đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường

Để kiểm chứng những điều người dân phản ánh, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận khu vực quanh trang trại nuôi bò và bể thải. Chứng kiến mùi hôi thối nồng nặc phủ khắp khu dân cư với gần 2.000 nhân khẩu, nặng nhất là khu vực 2 thôn Lâm Hoà và Ổn Lâm. Ngôi nhà của ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng thôn Lâm Hoà nằm ở vị trí gần trang trại, ông Đông thắc mắc, không hiểu pháp luât quy định khoảng cách từ trang trại đến khu dân cư thế nào, nhưng gia đình ông và người dân ở đây chỉ cách khu trang trại chừng 200m.

"Hiện tại có mùi thức ăn và mùi phân, bây giờ bắt đầu có ruồi xuất hiện. Tôi cũng có ý kiến rồi, còn cái nước mặt thì hiện tại trong quá trình hệ thống mương máng của mình chưa được đạt tiêu chuẩn, dồn xuống nhiều quá. Nhưng mùi phân, thức ăn và con ruồi thì cách khắc phục thế nào, người ta nói bằng mọi cách khắc phục, nhưng tôi nghĩ cách khắc phục chưa có".

Mưa lớn, hệ thống nước thải mặt bị tràn vào khu dân cư

Không chỉ bị tra tấn bởi mùi hôi thối, cuộc sống người dân nơi đây còn bị đảo lộn mỗi khi trời mưa, nước từ trên đồi – (nơi trang trại bò án ngữ) tràn xuống khu dân cư. Chị Hoàng Thị Sâm, Trưởng thôn Ổn Lâm cho biết, mỗi lần mưa lớn, nước vào nhà dân, ngập úng hoa màu… thì Công ty cũng có bồi thường thoả đáng, nhưng người dân lo lắng, nước đó bốc mùi hôi thối, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

"Có cái bất cập là công trình trên cao mà dân ở dưới thấp, các thức bò thải ra, thức ăn ủ lên mem thì có mùi, bay xa lắm. Thực ra đứng sát chỗ vận hành từ bồn này sang bồ kia thì nghe mùi phân, nhưng ở dưới làng thì nghe mùi chua của thức ăn lên mem. Nay tôi 58 tuổi rồi, trước đây nước mưa không đọng lại, còn nay nước mưa không thoát được, đọng lại 3-4 ngày"- chị Sâm nói.

Điểm xả thải chưa được người dân đồng ý cho công ty xả

Được biết, trước đây khi chưa có trang trại bò sữa, mỗi khi có mưa, nước trên khu vực đồi cao Yên Mỹ nước chảy xuống hồ Yên Mỹ, thế nhưng từ khi hình thành trạng trại bò sữa, nước khu vực này không được đổ xuống hồ Yên Mỹ mà dồn về khu dân cư (vì hồ Yên Mỹ là nơi cung cấp nước sạch cho Khu Kinh tế Nghi Sơn). Mỗi khi mưa lớn, lượng nước đổ dồn xuống khu vực dân cư, trong khi hệ thống thoát nước chưa đảm bảo gây tràn, ảnh hưởng đến đời sống người dân là điều không tránh khỏi.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cho biết: "Đối với hệ thống xử lý nước thải thì mùi nó phát tán ra chủ yếu mùi chua. Thôn mà ảnh hưởng trực tiếp là thôn Ổn Lâm, dân cư ngay dưới chân đồi, mà vị trí xử lý chất thải trên đồi. Đối với hệ thông chăn nuôi cái mà đảm bảo được 100% vấn đê xử lý môi trường như không có mùi chẳng hạn thì rất là khó. Công ty họ đang cố gắng khắc phục nhưng giải pháp cụ thể thì cũng chưa có".

Tỉnh Thanh Hoá đã đồng ý cho phép Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ được điều chỉnh vị trí xả thải từ vị trí cũ, nối dài khoảng 2,1 km, bằng hệ thống đường ống kín; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải từ trang trại ra môi trường, trường hợp không đảm bảo, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định


Một vấn đề nữa là hiện nay, số lượng bò nuôi đã lên tới hơn 4.000 con và cũng đã đến ngày xả thải, thế nhưng người dân địa phương chưa đồng ý cho cho Công ty xả, vì cho rằng vị trí xả ra chưa đảm bảo an toàn về môi trường. Về việc này Công ty đã đề xuất và được tỉnh Thanh Hoá đồng ý cho phép Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ được điều chỉnh vị trí xả thải từ vị trí cũ, nối dài khoảng 2,1 km, bằng hệ thống đường ống kín; giao Sở TN-MT hướng dẫn Công ty sữa Yên Mỹ điều chỉnh lại Giấy phép môi trường; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải từ trang trại ra môi trường, trường hợp không đảm bảo, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok