Trong tỉnh

Thanh Hóa nghiêm cấm nhiều khoản thu trong năm học mới

Trước tình trạng “lạm thu” tại một số đơn vị, trường học trên địa bàn trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa nghiêm cấm nhiều khoản thu trong năm học mới.

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, năm học 2019-2020, các đơn vị, trường học đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách.

Năm học 2019 - 2020 vẫn còn tình trạng “lạm thu” tại một số đơn vị, trường học; một số trường tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định, dẫn đến còn bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “lạm thu” tại một số đơn vị, trường học; một số trường tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định, dẫn đến còn bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu là hiệu trưởng nhà trường thực hiện chưa tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành đến cha mẹ học sinh và thực hiện quy trình, quản lý các khoản thu, chi ngoài ngân sách.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, thực hiện đúng quy định các khoản thu, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức quán triệt, thực hiện các văn bản của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, các khoản thu theo quy định như: Bảo hiểm y tế, học phí, tiền trông giữ xe đạp, xe máy, dịch vụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia.

Về tổ chức dạy thêm, học thêm, đối với các trường THCS và THPT tối đa không quá 17.000 đồng/buổi/học sinh, đối với lớp dưới 30 học sinh; tối đa không quá 15.000 đồng/buổi/học sinh đối với lớp từ 30-45 học sinh.

Đối với các trường Tiểu học, căn cứ vào giáo viên hiện có và cơ sở vật chất để có kế hoạch tổ chức dạy tăng buổi, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao cho phù hợp, nhưng không được thu tiền của học sinh.

Về hoạt động giáo dục kỹ năng sống, mức thu tổ chức hoạt động theo lớp học 5.000 đồng/tiết học/học sinh, mỗi tháng tổ chức không quá 4 tiết/học sinh; không tổ chức theo lớp học chính khóa.

Việc thực hiện liên kết đào tạo dạy tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục Tiểu học: Các nhà trường liên kết với các Trung tâm ngoại ngữ, không vượt quá 3 tiết/tuần, trên tinh thần tự nguyện của học sinh và được sự đồng ý của phụ huynh.

Đối với các trường liên kết với Trung tâm, giáo viên nhà trường trực tiếp giảng dạy, mức thu không quá 7.000 đồng/tiết học/học sinh. Đối với các trường liên kết, giáo viên của Trung tâm trực tiếp giảng dạy, mức thu không quá 10.000 đồng/tiết học/học sinh.

Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến học sinh như: Quỹ Đoàn, Đội, Chữ thập đỏ, quỹ Khuyến học, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, Bảo hiểm thân thể thực hiện theo quy định và hướng dẫn của các ngành…

Đối với các khoản thu thỏa thuận, phục vụ trực tiếp học sinh theo nhu cầu tự nguyện giữa phụ huynh với các nhà trường (không bắt buộc) trên cơ sở lấy thu, bù chi, không tính lãi như: Tiền công phục vụ và tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung đồ dùng và dụng cụ dùng chung phục vụ bán trú, tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ, hồ sơ học sinh lớp đầu cấp, sổ liên lạc điện tử, đồ dùng cá nhân trực tiếp phục vụ bán trú. Các trường học tổ chức triển khai, chỉ thực hiện khi phụ huynh thống nhất và tự nguyện.

Với các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT.

Nghiêm cấm nhiều khoản thu

Sở GD&ĐT Thanh Hóa nghiêm cấm các cơ sở giáo dục thu: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa nghiêm cấm nhiều khoản thu trong năm học 2020-2021. (ảnh minh họa)

Không thu đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh, các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp.

Các nhà trường thống nhất với Hội cha mẹ học sinh về mẫu, màu sắc để phụ huynh tự may đồng phục cho học sinh. Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường học tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh hoặc phụ huynh dưới bất kỳ hình thức nào.

Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành thêm các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên.

Việc dạy tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 9), thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ GD&ĐT, không tổ chức thu tiền của học sinh; việc tổ chức thí điểm dạy song ngữ phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của giáo viên, khả năng học và tự nguyện của học sinh.

Việc tổ chức dạy thí điểm, làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non 5-6 tuổi không mở rộng thêm số trường đang thực hiện thí điểm, chờ chương trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Học sinh có nhu cầu, đăng ký học tại các Trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động.

Khoản thu kiểm tra định kỳ đối với học sinh Tiểu học, THCS và THPT, các nhà trường chỉ thu tiền giấy thi phục vụ học sinh, không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi.

Đối với các lớp Tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày (không vượt quá 7 tiết/ngày), các nhà trường không được tổ chức dạy thêm vào tiết thứ 8 trong ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố thẩm định dự toán tất cả các khoản thu, chi ngoài ngân sách của các trường học trước khi thực hiện; tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu và có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu để xảy ra lạm thu; chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách của các đơn vị trực thuộc…

Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì Trưởng phòng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT.

Các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp: Tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giáo viên trong đơn vị và phụ huynh về các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện công khai, minh bạch đúng quy định.

Tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp sử lý nghiêm đối với cá nhân để xảy ra tình trạng lạm thu; chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách sai quy định.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok