Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học 2018 -2019, nhà trường đã đưa ra nhiều khoản chi, sau đó để huy động xã hội hóa giáo dục.
Cụ thể các khoản chi được nhiều phụ huynh phản ánh như xây dựng lò xử lý rác thải số tiền 21.000.000 đồng; Cải tạo nhà vệ sinh cán bộ giáo viên 22.000.000 đồng; Khoan giếng 16.000.000 đồng; Làm sân bóng chuyền 60.000.000 đồng; Mua bổ sung 30 bộ bàn ghế học sinh 45.000.000 đồng; Bàn ghế giáo viên 4 bộ 6.000.000 đồng; Lắp hệ thống camera 15.000.000 đồng; Thuê hệ thống phòng máy tính (phục vụ tin học) 20.000.000 đồng; Lăn sơn khối phòng học, bảo vệ, vệ sinh, chức năng 120.000.000 đồng; Trang trí các phòng chức năng theo chuẩn 2 là 45.000.000 đồng; Lắp đặt nâng cấp hệ thống đường nước sạch 18.000.000 đồng; Ốp bồn hoa, sân khấu, bê tông hóa hệ thống thoát nước 30.000.000 đồng; Lát gạch sân trường 760.000.000 đồng. Tổng số tiền phải chi lên tới 1.198.500.000 đồng.
Hàng loạt các khoản chi cho việc xây dựng nhà trường tại Tiểu học thị trấn Thường Xuân |
Để có tiền cho nhà trường chi cho những khoản trên, nhiều phụ huynh cho biết: “Chúng tôi phải nộp 2 lần tiền xã hội hóa giáo dục cho nhà trường trong năm học 2018 -2019 với tổng số tiền là 560.000 đồng/học sinh. Khi chúng tôi thắc mắc thì được nhà trường trả lời “nộp năm nay sang năm học mới (2019 -2020) không phải nộp”.
Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã trao đổi về vấn đề trên với cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thường Xuân và được cô cho biết, những khoản thu chi trên đã được UBND thị trấn và Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thường Xuân đồng ý để huy động nguồn xã hội hóa giáo dục trong năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 để xây dựng thêm về cơ sở vật chất cho trường học.
Trước khi vào năm học 2018 - 2019 nhà trường đã làm lại sân trường, sơn tường nhà và nhiều hạng mục công trình được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Một phần xin huy động từ phía phụ huynh học sinh, một phần từ địa phương và một phần từ kinh phí của nhà trường. Công trình trị giá lớn, nếu xin huy động 1 năm thì nhiều nên đã được sự đồng tình của phụ huynh và địa phương xin huy động trong 2 năm.
Khi chúng tôi xin tiếp cận hồ sơ xây dựng cơ sở vật chất thì Hiệu trưởng cho biết, kế toán đang đi có việc không có ở trường. Nhưng khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại với đơn vị thi công hạng mục sân trường (hạng mục xây dựng 760.000.000 đồng - PV), thì được biết, đơn vị thi công không biết đầu tư những cái gì và số tiền hết bao nhiêu vì không ghi vào sổ sách".
Liên quan sự việc trên, ông Cầm Bá Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân cho biết thêm, hạng mục lát sân gạch nhà trường do UBND thị trấn làm chủ đầu tư, sân trường đã lát gạch xong 1 năm nay, tuy nhiên đến nay bên phía thị trấn chưa có kinh phí trả cho nhà thầu và chưa có biên bản nghiệm thu cũng như bàn giao.
Được biết, năm học 2018 - 2019, tổng kinh phí nhà trường thu được từ việc xã hội hóa giáo dục là 600.000.000 đồng, trong đó nguồn ngân sách địa phương (thị trấn) là 300.000.000 triệu đồng, ngân sách nhà trường chi kinh phí hoạt động chuyên môn 150.000.000 đồng, ngân sách từ công tác xã hội hóa giáo dục là 150.000.000 đồng.
Ngoài tiền đóng góp xã hội hóa giáo dục nêu trên, các học sinh nơi đây còn phải đóng các khoản tiền bắt buộc như, Đội sao –KHN 21.000 đồng/học sinh; Chữ thập đỏ 10.000 đồng/hs; Vệ sinh 100.000 đồng/hs; NNKQĐ 5.000 đồng/hs; Gửi xe 90.000 đồng/học sinh; Sổ liên lạc điện tử 65.000 đồng/hs; Học bạ lớp 1 là 15.000 đồng/hs; Y bạ (k1.3.4.5) là 5.000đồng/hs.
Điều đặc biệt, khi chưa vào năm học mới 2019-2020 nhưng Trường Tiểu học thị trấn Thường Xuân đã được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện đồng ý cho huy động xã hội hóa giáo dục với dự chi tổng kinh phí là 765.500.000 đồng. Trong đó mua thêm bàn ghế giáo viên, học sinh, bảng lớp là 117.000.000 đồng ( Bàn ghế học sinh 70 bộ x 1.500.00 = 105.000.000 đồng, bàn ghế giáo viên: 03 bộ x 1.500.000 = 4.500.000 đồng, bảng chống lóa: 03 cái x 2.500.000 = 7.500.000 đồng) và sửa chữa đường điện, mua quạt lắp trên phòng học 50.000.000 đồng.
Được biết, Thường Xuân là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, con em đi học chủ yếu là người đồng bào thiểu số, do đó, hàng năm Chính phủ đang trợ cấp gạo ăn những ngày giáp hạt.
Vì thế, việc Trường Tiểu học thị trấn Thường Xuân đề ra nhiều khoản chi để huy động nguồn xã hội hóa giáo dục sẽ làm nặng gánh thêm cho phụ huynh học sinh. Đặc biệt, các khoản thu chi còn chưa rõ ràng.
Báo Gia đình Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Thường Xuân và tỉnhThanh Hóa vào cuộc kiểm tra, làm rõ những phản ánh của phụ huynh.
Tác giả: Hà Vân
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam