Trong tỉnh

Thanh Hóa: Mang đất thải bán cho người dân tại công trình thi công tuyến QL 15

Trong quá trình thi công công trình đường giao thông trên QL 15 tại tỉnh Thanh Hóa, một số người đã tự ý mang đất thải bán cho người dân để trục lợi.

Liên quan đến việc thi công tuyến QL 15 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngoài những bất cập từ việc thi công mà An Ninh Tiền Tệ đã phản ánh. Phóng viên cũng đã nhận được thông tin của rất nhiều người dân về việc một số người đã tự ý mang đất thải đi bán cho người dân để trục lợi.

Đơn vị thi công đang múc đất thải, hạ nền trên QL 15 đoạn qua xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Để tìm hiểu sự việc, nhóm PV đã trực tiếp tìm hiểu tại địa phương xã Thước Ông, huyện Bá Thước.

Anh T.V.L (SN 1979) trú tại thôn Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước cho biết, do đường 15 nâng lên cao nên nhà của gia đình anh cùng nhiều hộ dân trong xóm bị ảnh hưởng. Khi mưa xuống khiến nhà của gia đình anh bị nước tràn vào nên anh buộc phải di dời nhà. Đồng thời anh đã “mua” đất thải đổ vào vườn, nâng nền lên làm nhà mới để ở. Đất đổ vào nhà được anh mua là đất thải từ việc thi công tuyến đường 15 trong khu vực.

Anh P.V.P. (SN 1990) cùng trú tại thôn Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước cũng thông tin, đất để đổ vào vườn, nền nhà của gia đình anh được anh mua đất thải của công trình trên địa bàn. Anh mua đất hết hơn 50 triệu đồng chia làm 4 đợt; đợt một mua hết 17 triệu đồng; đợt 2 mua hết 5 triệu đồng; đợt 3 mua hết 14 triệu đồng và đợt cuối cùng là 11 triệu đồng. Anh nói, trong quá trình thương lượng đổ đất không hề có đơn từ, hóa đơn hay giấy tờ.

Chiếc xe "Hổ Vồ" không đậy bạt chở đất mang đi đổ tại vườn nhà dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thôn Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, có hàng chục hộ dân đổ đất để nâng vườn, san nền. Số tiền đổ cho các hộ dân có giá khác nhau. Số tiền từ việc mua bán đất cho các hộ dân tại một khu vực xê dịch từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng chục triệu đồng.

Hầu hết các hộ dân đều cho rằng, đất được đổ vào nền, vườn của họ là đất thải trên công trình. Trong quá trình đổ, đôi bên chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng hay hóa đơn mua bán. Ngay khi việc đổ đất hoàn thành, phía đơn vị đổ đất sẽ cho người đến lấy tiền từ các hộ dân như đã thỏa thuận trước đó.

Ông Phạm Phi Mão, Chủ tịch UBND dân xã Thiết Ống thừa nhận, đất thải trên công trình được đổ ở nhiều vị trí. Ngoài vị trí là bãi thải đã quy hoạch cụ thể thì đơn vị thi công cũng đã đổ vào vườn của một số hộ dân ở hai bên đường.

Theo ông Mão thì, trong quá trình đổ đất thải ở vườn nhà dân có xác nhận của chính quyền huyện, xã vào đơn xin đổ đất nâng cấp phần đất của người dân. Tuy nhiên, đơn chính quyền xã không giữ mà do đơn vị thi công nắm giữ?

Ông Phạm Văn Ấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cho rằng, không có ai bán đất cho các hộ dân. Những hộ dân có nhà ở, họ có đơn xin được đổ đất thải của việc thi công tuyến đường 15. Hai bên thỏa thuận, thống nhất với nhau. Việc đó để tạo điều kiện cho việc thi công QL 15. Phòng cũng xác nhận loại đất đó là đất ở, việc bán đất là không có.

“Theo thống nhất, họ có đơn, sơ đồ thửa đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổ mà không ảnh hưởng đến phần đất khác thì xã xác nhận nếu không ảnh hưởng đến mặt bằng và các yếu tố khác thì xác nhận cho họ. Hiện nay đơn vị thi công đang cầm đơn đó”, ông Ấn nói.

Liên quan đến việc xác nhận trên đơn xin đổ đất của người dân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cũng thừa nhận, ông có xác nhận vào đơn xin đổ đất của người dân. Tuy nhiên, ông không nhớ đã xác nhận cho người dân bao nhiêu đơn.

Những khu vườn được những chiếc xe chở đất từ công trường đến đổ.


Liên quan đến nội dung trên, ông Đoàn Khả Phú, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 – Thanh Hóa trả lời, trong hồ sơ, quy định của dự án không có việc đơn vị thi công mang bán cho người dân. Bên Ban có đơn vị tư vấn giám sát thường trực trên công trường, ông sẽ hỏi rõ về việc này. Thực tế, phía ban chưa thấy đơn vị tư vấn giám sát phản ánh về vấn đề này.

"Trong hồ sơ đúng như quy định là không có việc đào đất mang đi bán. Đúng quy định là không được phép. Thực tế là Công an môi trường và Cảnh sát kinh tế lúc nào cũng thường trực trên công trường", ông Phú nói.

Được biết, Dự án nâng cấp QL 15, được khởi công từ 8/2020, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án có chiều dài hơn 53 km, đi qua nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa như Bá Thước, Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc. Dự án do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với số vốn là hơn 1.000 tỉ đồng. Đường được thiết kế theo hệ thống đường cấp III miền núi, chiều rộng của con đường là 9m, mặt đường rộng 8m.

Một khu vực của người dân xã Thiết Ống đã được đổ đầy đất từ công trình.

Dự án do nhiều đơn vị thi công như: Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung, Công ty cổ phần Tân Thành, Công ty cổ phần Sun Việt (đều có trụ sở tại TP Thanh Hóa) thi công. Đoạn qua thôn Cú, xã Thiết Ống do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung trúng thầu và thi công.

Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 là đơn vị tư vấn giám sát.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Hồ Phương - Lương Diễn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: QL 15 , bán đất , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok