Xác định nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường sẽ tránh được sự chồng chéo, bất đồng quan điểm giữa người đứng đầu, từ đó tạo sự chủ động, tập trung trong chỉ đạo, điều hành, thế nhưng, để việc nhất thể hóa không là ngọn nguồn của bè phái, phe nhóm, thành phố Thanh Hóa đã quyết liệt cùng lúc thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ chủ chốt không phải người địa phương.
Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Chủ trương chuyển đổi 146 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng đa cây, đa con chuyên canh từ lâu đã được lãnh đạo phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa đưa ra bàn bạc và xin ý kiến cán bộ chủ chốt. Thế nhưng việc thận trọng trong bàn bạc, có phần thiếu quyết đoán và ý kiến trái ngược nhau đã không đi đến thống nhất.
Năm 2013, phường Đông Cương chính thức triển khai chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường. Việc giữ đồng thời cả 2 chức danh chủ chốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu mạnh dạn, quyết đoán đưa ra chủ trương để bàn bạc và đi đến thống nhất cao trong việc chuyển đổi đất trồng lúa. Nhờ việc tính toán, bàn bạc dân chủ và triển khai thực hiện quyết liệt, chủ trương này đã đem lại hiệu quả tích cực, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ dân.
Ông Lê Văn Ngân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Cương cho rằng, nhất thể hóa tạo sức mạnh trong chỉ đạo, điều hành. "Công tác nhất thể hóa chức danh, hiệu quả lớn nhất, rõ nhất là bản thân người đứng đầu thể hiện được tính chủ động trong thực thi nhiệm vụ, mình vừa là người đề ra đường lối đồng thời cũng là người chỉ đạo điều hành thì hiệu quả công việc cao hơn", ông Ngân phân tích.
Thế nhưng, để việc nhất thể hóa không là chủ quan duy ý chí, độc quyền, độc đoán trong giải quyết công việc, thành phố Thanh Hóa đã sớm tính đến bài toán luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương.
Xã Quảng Thịnh được xem là lá cờ đầu trong thực hiện chủ trương này khi cả 3 chức danh chủ chốt đều không phải người địa phương. Điều này được xem là sức mạnh trong thực hiện Nghị quyết Đảng ủy xã, góp phần đưa Quảng Thịnh đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2016 – vượt 4 năm so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Thế Dậu, thôn Thịnh Hùng, xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa cho rằng, việc bố trí cán bộ không phải người địa phương đã góp phần khắc phục được tình trạng nể nang, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.
"Ở xã Quảng Thịnh trước đây cán bộ chủ chốt chủ yếu là ở địa phương, sau đó được trên điều động cán bộ chất lượng về làm cán bộ bí thư kiêm chủ tịch. Các anh làm rất tốt, thay đổi diện mạo xã Quảng Thịnh, được bà con yêu mến, các đoàn thể rất ủng hộ", ông Dậu dẫn chứng.
Với cách làm đó, đến nay 37/37 phường, xã của thành phố Thanh Hóa đã thực hiện 1 trong 3 chức danh cán bộ chủ chốt không phải người địa phương, tạo đột phá trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, không ít ý kiến lo ngại việc nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND xã, phường cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền. Ông Đàm Văn Thê, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Thanh Hóa cho biết, xác định được vấn đề này, Thành ủy Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, giám sát từ mọi cấp đối với chính cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Hàng năm, ban thường vụ tổ chức 6 tháng một lần, các đoàn kiểm tra giám sát do các bí thư, phó bí thư, trưởng đoàn để trực tiếp nghe, cho ý kiến và kiểm tra, giám sát thực tế tại 37 đơn vị trong thực hiện công tác tập trung dân chủ, thực hiện công tác cán bộ.
Sau 10 năm triển khai chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thành phố Thanh Hóa đã khắc phục triệt để được tình trạng thực hiện Nghị quyết không hiệu quả do mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, áp lực “gánh một lúc 2 vai” cũng đã trở thành môi trường để rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tầm để nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Đảng bộ và chính quyền thành phố./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV