Với mức hỗ trợ theo quy định (25.000 đồng/kg), tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 220 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân có lợn phải tiêu hủy. Trong khi ngân sách dự phòng đã cơ bản “cạn”, tỉnh Thanh Hóa phải tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 220 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân có lợn phải tiêu hủy. |
Tính đến ngày 26/09, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát tại nhiều huyện thị của tỉnh Thanh Hóa, buộc phải tiêu hủy gần 9.000 tấn, nhân với đơn giá 25.000 đồng/kg (theo quy định của Chính phủ), tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 220 tỷ hỗ trợ cho người dân. Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã tạm cấp 3 đợt với số tiền khoảng 200 tỷ cho các địa phương để hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Các huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất là Triệu Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa… Theo quy định của Chính phủ, Thanh Hóa là tỉnh chưa cân đối được ngân sách nên sẽ được trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh 30%. Thế nhưng theo thông tin từ Sở Tài chính Thanh Hóa, trước mắt ngân sách tỉnh đang cấp ra 100% hỗ trợ cho dân, vì vậy về cơ bản quỹ dự phòng ngân sách đã “cạn”.
Nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đầy đủ cho người dân, địa phương đã phải tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính. Bà Trịnh Thị Hằng, Phó Phòng Hành chính Sự nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù khó khăn nhưng đến thời điểm này việc hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi vẫn được đáp ứng kịp thời.
“Sau khi cấp cho các huyện, huyện chi trả trực tiếp cho dân, huyện làm thực chi từ kho bạc huyện và tổng hợp các thực chi chuyển ngân sách tỉnh để báo cáo trung ương, trung ương hỗ trợ cho tỉnh khi mà có đối chiếu thực chi. Sở Tài chính cũng chỉ cấp tạm ứng sau đó họ hỗ trợ thiệt hại cho dân có ký nhận mới làm quyết toán”- bà Trịnh Thị Hằng cho biết.
Bên cạnh hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy, Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách các địa phương phòng chống dịch. Đối với kinh phí hóa chất, vật tư (ngân sách huyện 30%, ngân sách tỉnh 70%), đến nay đã có 2 huyện Triệu Sơn và Thiệu Hóa đã vượt quá khả năng chi trả phải “cầu cứu” tỉnh hỗ trợ. Đối với chi cho con người trong phòng chống dịch, theo quy định cấp nào cấp đó chi, thế nhưng phần lớn các xã, phương, thị trấn tại Thanh Hóa ngân sách dự phòng rất hạn hẹp, vì vậy gặp khó khăn cho công tác phòng chống dịch./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV