Trong tỉnh

Thanh Hóa: Lập khống hồ sơ, rút tiền ngân sách!

Không đủ năng lực hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, nhưng các doanh nghiệp vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa "chọn mặt gửi vàng" tham gia Dự án Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, dẫn đến hàng loạt sai phạm...

Khu đất ô nhiễm môi trường do rò rỉ hóa chất độc hại đã được xử lý đang bỏ hoang tại Vĩnh Lộc

Theo tìm hiểu được biết, để tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) đã được Thủ tướng phê duyệt vào danh mục theo QĐ 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 về việc phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn cả nước và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.

Ngày 15/5/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm 36 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: 21 Bệnh viện và cơ sở Y tế, 9 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, 5 bãi rác và 01 khu vực Hồ Thành. Qua đó, ngày 12/10/2015, Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Trạm Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Ngày 31/8/2015, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình nói trên. Ngày 7/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình: "Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật thôn Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc" giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 7.882.394.000 đồng.

Với tư cách là chủ đầu tư dự án, ngày 28/10/2016, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng trọn gói với Công ty CP Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường về việc thi công giai đoạn 1 với giá trị hợp đồng 5.787.205.000 đồng; Ngày 30/8/2016, ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án với Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng CICO với giá trị hợp đồng là 121.936.000 đồng; Ngày 26/9/2016 ký hợp đồng Tư vấn giám sát thi công dự án với Công ty Cổ phần xây dựng Đông Hưng, giá trị hợp đồng 121.868.441 đồng. Thời gian thi công dự án bắt đầu từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017.

Căn cứ và tài liệu và thông tin của phóng viên có được, kết quả điều tra xác minh của Cơ quan Công an chỉ rõ; Do không đủ năng lực hành nghề trong xây dựng, các đơn vị tham gia thực hiện dự án đã để xảy ra rất nhiều sai phạm. Cụ thể, đối với đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường đã thi công sai biện pháp kỹ thuật theo thiết kế đã được phê duyệt như: không làm tơi, phơi đất ô nhiễm, điều chỉnh độ PH của đất trước khi xử lý, sử dụng máy xúc gầu trộn hóa chất vào đất thay cho máy trộn bê tông nhằm ăn bớt tiền thuê nhân công và máy thi công.

Khu đất ô nhiễm môi trường do rò rỉ hóa chất độc hại đã được xử lý đang bỏ hoang tại Vĩnh Lộc, vậy Sở Tài nguyên & Môi trường có vai trò, trách nhiệm như thế nào ở vụ việc trên?

Chưa dừng lại ở đó, để lập hồ sơ cho việc quyết toán, đơn vị thi công đã cấu kết với bà Phạm Thị Lan, trú tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa lập hợp đồng về việc khoán gọn phần nhân công và máy thi công dự án cho bà Lan với tổng giá trị hợp đồng sau nhiều lần điều chỉnh là 1.498.989.381 (chưa bao gồm thuế VAT). Nhưng thực tế cho thấy, bà Phạm Thị Lan không có nguồn nhân lực và máy thi công để cung cấp theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công trực tiếp thuê nhân công và máy thi công.

Quá trình điều tra cho biết, thực tế đơn vị thi công chỉ thuê 04 công nhân hàng ngày để thực hiện dự án và trực tiếp trả tiền cho những nhân công này với số tiền khoảng 40 triệu đồng mà không có hóa đơn, chứng từ, giấy biên nhận hoặc tài liệu nào khác chứng minh việc thanh toán chi phí, số tiền thuê máy thực tế khoảng 120 triệu đồng.

Để hợp thức hóa hồ sơ, đơn vị thi công dự án đã soạn hợp đồng, nhờ bà Phạm Thị Lan đứng tên ký và hướng dẫn bà Lan làm thủ tục kê khai thuế, rồi xin cấp hóa đơn lẻ đối với cá nhân kinh doanh tại Chi cục thuế huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 02/8/2017, Chi cục thuế huyện Vĩnh Lộc đã xuất hóa đơn số 026888 cho bà Phạm Thị Lan về việc thanh toán hợp đồng trên với tổng giá trị là 1.498.989.836 đồng. Số tiền này đơn vị thi công đã chuyển vào tài khoản của bà Phạm Thị Lan, sau đó hướng dẫn bà Lan rút tiền và trả lại cho đơn vị thi công. Đơn vị thi công đã không kê khai đúng thực tế chi phí thuê nhân công và máy thi công trong thực hiện dự án mà sử dụng hóa đơn của bà Phạm Thị Lan nêu trên để kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp với Cục thuế TP Hà Nội.

Sau khi kết thúc dự án, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát đã lập khống, giả mạo chữ ký trong hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ nghiệm thu gồm: Nhật ký thi công, các biên bản nghiệm thu vật liệu, khối lượng công việc và sử dụng hồ sơ này để thanh quyết toán với chủ đầu tư (Sở Tài nguyên & Môi trường). Số lượng công nhân được kê khai khống lên mỗi ngày từ 20 đến 40 nhân công, tổng số công trong toàn bộ dự án là hơn 4.500 công, tổng số ca máy là hơn 200 ca.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Xây dựng Đông Hưng trong suốt quá trình thực hiện dự án đã không thực hiện việc giám sát thi công theo quy định, không có cán bộ giám sát tại công trường, để đơn vị thi công sai biện pháp kỹ thuật đã được phê duyệt.

Căn cứ vào tài liệu phóng viên thu thập được cũng cho thấy một điều bất ngờ hơn, đó là trong suốt quá trình thi công, người của đơn vị tư vấn giám sát chỉ đến hiện trường dự án một vài lần, không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã được thực hiện việc nghiệm thu, giám sát thi công. Sau khi dự án đã hoàn thành, đơn vị thi công lập khống hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ nghiệm thu gồm: Nhật ký thi công, các biên bản nghiệm thu vật liệu, nghiệm thu khối lượng công việc và chuyển cho Công ty Đông Hưng (Đơn vị tư vấn giám sát) ký giả mạo chữ ký của ông Lê Trọng Trường là kỹ sư cũ của công ty đã nghỉ việc từ năm 2015 và các hồ sơ trên rồi chuyển cho đơn vị thi công để thanh quyết toán với chủ đầu tư (Sở TN&MT).

Đối với đơn vị Tư vấn quản lý dự án là Công ty CP đầu tư xây dựng CICO, trong quá trình quản lý dự án đã không tham gia nghiệm thu chất lượng, khối lượng hoàn thành, việc ký các biên bản trong hồ sơ dự án chỉ là để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phục vụ cho việc thanh quyết toán của đơn vị thi công với chủ đầu tư (Sở TN&MT).

Với rất nhiều sai phạm trong quá trình thi công công trình, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án ở việc lập khống các chứng từ trong hồ sơ thi công xảy ra tại Dự án "xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật" tại Trạm Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Kết thúc dự án, Sở Tài nguyên & Môi trường đã quyết toán và thanh lý hợp đồng đã ký kết với đơn vị thi công (Công ty CP Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường) số tiền 5.787.205.000 đồng, đơn vị tư vấn giám sát (Công ty CP Xây dựng Đông Hưng) số tiền 118.812.000 đồng và đơn vị tư vấn quản lý dự án (Công ty CP đầu tư xây dựng CICO) số tiền là 121.936.000 đồng.

Dù dự án đã kết thúc, nhưng quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Trạm Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định trưng cầu giám định các hồ sơ pháp lý có liên quan gửi Sở Tài chính với những nội dung cần được làm rõ, đó là: Việc thanh quyết toán của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát dự án với chủ đầu tư (Sở TN&MT) đã được quyết toán có hợp pháp, hợp lệ không? Có gây thiệt hại cho kinh phí của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân nào hay không? Căn cứ để xác định thiệt hại là bao nhiêu?

Việc trưng cầu Sở Tài chính giám định các hồ sơ pháp lý của dự án trên cũng được gửi tới Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Trần Đại

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok