Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại Hà Trung. |
Tại Nông Cống, sau khi nghe báo cáo nhanh và kiểm tra thực tế tại một số xã, thị trấn, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao huyện Nông Cống, đã chủ động đôn đốc các địa phương thu hoạch nhanh vụ mùa, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Lưu ý địa phương theo sát diễn biến thời tiết, có biện pháp chủ động phòng, chống bão lụt, tiêu thoát nước kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, phải huy động lực lượng, giúp bà con thu hoạch, bảo quản lúa tại những thửa ruộng chưa chín còn sót lại. Cùng với đó, huyện cần chủ động lên phương án hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông sắp tới. Tăng cường tuần tra, ứng trực tại các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tại huyện Như Thanh, nơi có lượng mưa đo được đến sáng 27/9 lên tới 218mm, theo báo cáo, toàn huyện đã gặt được 94% diện tích lúa mùa. Mưa lớn đã gây thiệt hại một số hoa màu của bà con, làm sạt lở 4 điểm trên tuyến đường tỉnh 504 … Sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng hoan nghênh các cấp, ngành của huyện đã nỗ lực, tích cực trong công tác phòng chống mưa lũ kéo dài. Yêu cầu huyện tếp tục bám sát tình hình, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ phòng, chống, nhất là ứng phó với bão lũ, thiên tai. Đặc biệt là đối với khu vực có địa hình phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, nhất là học sinh đi học qua các đập tràn, sông suối. Tăng cường tuyên truyền, yêu cầu người dân không dược vớt củi, bắt cá những nơi nguy hiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thị sát hiện trường sạt lở bờ sông Mã tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc. (Ảnh: Báo Thanh Hóa) |
Cũng trong sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ tại huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc. Tại Hà Trung, Đoàn đã đi kiểm tra một số địa điểm xung yếu như khu dân cư ven sông Hoạt, kết quả thu hoạch vụ mùa và công tác tiêu thoát lũ tại các trạm bơm. Qua kiểm tra, một số khu dân cư có xảy ra ngập cục bộ thời gian ngắn, khoảng 40% lúa chưa thu hoạch do còn xanh, vẫn đảm bảo an toàn nhờ được tiêu thoát nước kịp thời. Ngay từ khi mưa lớn vào sáng 26/9, huyện Hà Trung đã chỉ đạo mở tất cả các cống tự chảy, vận hành tất cả các trạm bơm để tiêu thoát nước ra sông Hoạt, tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng triển khai phương án chống ngập, bảo vệ hoa màu, đảm đảm an toàn tài sản cho nhân dân. Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu huyện Hà Trung phải lường trước khả năng mưa lớn còn kéo dài, sẵn sàng ứng phó không để xảy ra hậu quả, giữ an toàn tài sản Nhà nước và nhân dân, các trạm bơm sẵn sàng hoạt động hết công suất khi cần thiết. Đồng thời, chuẩn bị máy móc, nhân lực giúp dân thu hoạch nốt diện tích lúa còn lại.
Tại Vĩnh Lộc, Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn đã tới thị sát khu vực sạt lở bãi bồi sông Mã trên địa bàn xã Vĩnh Hòa. Tại đây sạt lở đã cuốn trôi hơn 12.000 m2 đất canh tác của bà con, de dọa an toàn tính mạng, tài sản của 28 hộ dân hai thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ. Tại hiện trường, chứng kiến cảnh sạt lở diễn ra nghiêm trọng và có thể nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của mưa lớn đang diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền xã phải theo dõi sát mức độ sạt lở để báo cáo và triển khai đảm bảo an toàn kịp thời. Yêu cầu huyện Vĩnh Lộc khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh để đề xuất phương án khắc phục phù hợp, hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra, chỉ đạo phòng chống mưa lũ tại địa bàn (Ảnh: Lê Hợi). |
Cùng với hai Đoàn công tác trên, trong ngày 27/9, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phân công một số lãnh đạo đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa, lũ tại các địa phương khác trong tỉnh.
Liên quan đến tình hình mưa lũ, theo thống kê ban đầu đến trưa 27/9. Mưa lớn kéo dài đã khiến một người dân ở xã Bình Lương, Như Xuân mất tích khi đi bắt cá, gây úng cục bộ, chia cắt giao thông tại một số địa phương và tắc đường tại nhiều vị trí đập tràn. Đặc biệt, nhiều huyện miền núi bị thiệt hại đáng kể về hoa màu, nhiều bản, làng bị cô lập tạm thời do giao thông bị chia cắt. Tại thời điểm này, lãnh đạo các địa phương, nhất là các huyện miền núi đang tăng cường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại các điểm xung yếu để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân địa phương.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: baoxaydung.com.vn