Trong tỉnh

Thanh Hóa lại cho nhận chìm bùn thải xuống biển

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 bùn thải hình thành trong quá trình nạo vét, duy tu cảng lọc hóa dầu xuống biển.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép nhận chìm xuống biển cho nhiều đơn vị, với khối lượng bùn thải nhận chìm hơn 5 triệu m3.

Cụ thể, ngày 4-10-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn nhận chìm 2,1 triệu m3 bùn thải hình thành từ việc nạo vét tuyến luồng vào cảng. Khu vực nhận chìm có diện tích gần 20 ha, độ sâu từ 3-5 m, thuộc vùng biển phường Hải Hà (thị xã Nghi Sơn).

Đến ngày 14-3-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân nhận chìm gần 1,1 triệu m3 hình thành từ việc nạo vét khu vực bể cảng và luồng vào cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (công ty này được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn ký hợp đồng xử lý chất thải).

Gần đây nhất, ngày 27-10-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép cho Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn nhận chìm 2 triệu m3 chất nạo vét vũng quay trở tàu, luồng nhánh và khu neo đậu tàu.

Dư luận đang dấy lên lo ngại việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục đề xuất nhận chìm lượng lớn bùn thải sẽ vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn, ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân địa phương.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: THANH TUẤN

Liên quan đến đề xuất này, vào tháng 11-2021, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xin nhận chìm 7 triệu m3 bùn thải và vào tháng 5 vừa qua xin nhận chìm 1,8 triệu m3. Cả 2 lần đề xuất không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận.

Thế nhưng, vào tháng 7-2022, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục xin nhận chìm bùn thải, với khối lượng hơn 1,4 triệu m3. Lần này, UBND tỉnh Thanh Hóa giao đơn vị có liên quan làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tính toán, xác định khối lượng chất nạo vét; đồng thời có văn bản xin ý kiến Bộ TN-MT như nói trên.

Trái với lo ngại của dư luận về nhận chìm bùn thải, chất nạo vét tác động đến môi trường biển, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN-MT), nói rằng đây là một việc làm rất bình thường, được quy định trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996. Ở Việt Nam, việc nhận chìm chất nạo vét ở biển được quy định trong Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo 2015, cũng như các văn bản dưới luật.

Ông Ca còn nói ông đã xem rất kỹ báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ xin cấp phép nhận chìm chất nạo vét tại cảng của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Theo đó, chất nạo vét có thành phần chủ yếu là bùn, sét và cát, không chứa các chất độc hại với nồng độ vượt quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam. Khu vực nhận chìm chất nạo vét là khu vực biển có hệ sinh thái đáy mềm với đa dạng sinh học nghèo nàn. Các kết quả tính toán, đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét, vận chuyển chất nạo vét và nhận chìm chất nạo vét ở biển không gây ra những tác động môi trường đáng kể và đã được chủ đầu tư đề xuất các giải pháp quản lý, giám sát để giảm tới mức thấp nhất các tác động môi trường này.

"Việc UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Bộ TN-MT về việc đề nghị giải quyết nhận chìm chất nạo vét của dự án nạo vét duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một việc làm bình thường, tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam. Việc nhận chìm thêm 1,4 triệu m3 chất nạo vét xuống biển ở khu vực đã được xác định có tác động không đáng kể tới môi trường biển. Vấn đề rất quan trọng là cần phải thực hiện nghiêm túc việc giám sát quá trình nhận chìm và thực hiện đúng các giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động nhận chìm chất nạo vét như đã trình bày trong báo cáo đánh giá tác động môi trường" - PGS-TS Vũ Thanh Ca nói.

Tác giả: Thanh Tuấn - Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok