|
Đập nước thải, bùn thải "ngự" trên đầu dân!
Từ con đường Tỉnh lộ 530 lên đến xã Yên Thắng (huyện Lang Chánh) chỉ khoảng 20km nhưng chúng tôi phải "đánh vật" hơn 2 tiếng đồng hồ. Con đường gần như bị "băm nát" toàn tuyến, đặc biệt đoạn gần trung tâm xã Yên Thắng (nơi có mỏ quặng hoạt động nhiều năm qua) nát nhất. Đón chúng tôi ngay tại trụ sở, ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng ngậm ngùi: "Nhà báo phản ánh giúp dân, giúp xã, chứ chúng tôi đã kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa thấu".
Ông Hải trực tiếp xắn quần dẫn chúng tôi "mục sở thị" những đập chứa bùn thải, nước thải của mỏ quặng đóng trên đỉnh núi Pu Tên. Con đường lên xã đã khó, lên mỏ quặng còn khó hơn nhiều bởi những "hố voi, hố trâu", sình lầy đặc quánh. Tiếp cận được những đập chứa nước thải, bùn thải khu khai thác phía Tây của mỏ trên núi Pu Tên, chúng tôi không tin nổi những gì nhìn thấy. Nhiều đập chứa rộng lớn, hàng nghìn khối nước thải, bùn thải vàng khè, đầy ắp dù giữa ngày nắng hạn.
Một hộ dân cho biết: "Đã nhiều ngày qua trời không đổ mưa rồi. Bà con dân bản trồng cây ngô, cây lúa mong có mưa lắm. Nhưng khổ, mong mưa thì lại lo vỡ đập. Các anh coi, không mưa mà hồ nước thải của mỏ quặng đã đầy ắp, mưa xuống nước tràn đổ xuống suối Ngàm chảy vào nhà dân, vào ao chum đồng ruộng cũng chết. Đó là may mà nó tràn, chứ vỡ đập thì ngập hết, chết cả người chứ chẳng chơi".
Tận mắt chứng kiến những quả "bom bùn", mới biết những lo lắng trên của bà con dân bản là hoàn toàn có cơ sở. Trước mắt chúng tôi là 3 đập chứa bùn nước thải khu phía Tây nằm ở vị trí trên núi cao, phía dưới các đập nước này là con suối Ngàm, đồng lúa và hàng chục căn nhà của người dân. Vị trí ngăn cách giữa các đập chứa nước thải là thân đập được chủ mỏ đắp đất quặng, hầu như không có một biện pháp gia cố đảm bảo nào. Minh chứng cho điều đó là nhiều vị trí của thân đập nước bùn thải bị dò rỉ, sạt nứt… Nước chảy xuống suối, chảy vào đồng ruộng, ao cá của bà con rồi chảy ra sông Âm.
Theo người dân, những hậu quả nghiêm trọng đã nhiều lần xảy ra. Dân mất lúa, mất cá, ngập vào nhà cửa, ruộng vườn. Dù được đền bù, hỗ trợ nhưng việc đó là không thường xuyên và điều lo lắng hơn hết là nguy cơ những đập nước này bị vỡ, hậu quả sẽ khôn lường.
Theo chân Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, chúng tôi tiếp tục tới khu khai thác phía Đông mỏ quặng. Hàng chục công nhân, máy múc đang hoạt động cật lực trước cái nắng nóng như thiêu như đốt. Lại gần quan sát, nhiều khâu đoạn tuyển quặng phải sử dụng nước. Nước thải được chảy thẳng ra 2 đập chứa, một chứa nước thải, một chứa bùn quặng. Cũng không ngoại lệ, thân đập phía Đông này cũng được đắp bằng đất sơ sài, nước thải mấp mé mép miệng đập, trực chờ tràn. Để tránh bị vỡ thân đập, chủ mỏ đã mở một miệng thoát nước, hễ nước dâng đến miệng thì tự động tràn ra ngoài. Phía dưới chân đập, nước rò rỉ khiến không ít bùn đỏ chảy ra suối Vần. Từ đó, nước sẽ theo các miệng dẫn trực tiếp xuống suối Pà Cải.
Ông Lương Văn Hải liên hệ với Giám đốc mỏ nhưng người này không có mặt ở đây. Quản lý mỏ cũng đi vắng. Không thể trao đổi, ông Hải tiếp tục dẫn chúng tôi tới các hộ dân của bản Vần Trong. Tại các hộ gia đình, dấu vết của nước ngập còn in hằn trên các cột gỗ cao hơn 1m.
Một hộ dân bản Vần Trong cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND xã Yên Thắng yêu cầu phía mỏ gia cố thân đập để người dân yên tâm sinh sống. Đến nay, cả hai đập đều được mở rộng nhưng thân đập vẫn không đảm bảo. Trong khi đó, nhiều thời điểm bùn thải tràn vào nhà, ruộng, dù đã được phía mỏ hỗ trợ, đền bù nhưng năng suất đến nay vẫn giảm khoảng 40% so với trước".
Công ty "chơi liều", xã kêu không thấu
Tìm hiểu được biết, mỏ khai thác này do do Công ty CP Thương mại Tây Đô đứng tên, hoạt động từ nhiều năm nay. Việc công ty này "chơi liều" trong việc tích nước tại các đập chứa mà không gia cố, kiên cố hoá các đập chứa vừa là để phục vụ khai thác, tuyển quặng, vừa tránh đổ trực tiếp ra sông suối khi chưa xử lý đã vô hình chung tạo ra những quả "bom nước, bom bùn thải" trên đầu dân. Nguy cơ vỡ đập chứa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hậu quả hẳn nhiên khó có thể đo đếm với thảm họa của thiên tai.
Ông Vi Văn Chính, Trưởng bản Vần Trong lo lắng: "Sự an toàn của đập là nỗi lo thường trực của người dân mỗi khi mùa mưa bão về, đã có thời điểm bùn thải tràn vào nhà, ruộng, dù đã được công ty hỗ trợ, đền bù nhưng năng suất giảm. Hễ có mưa là nước tràn vào nhà một số hộ dân sống gần mỏ khai thác. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND xã Yên Thắng yêu cầu công ty gia cố thân đập để yên tâm sinh sống. Đến nay, cả hai đập đều được mở rộng nhưng không biết tình hình thân đập như vậy có đảm bảo an toàn không?".
Ông Lương Văn Hải cho biết: "Sau khi được gia hạn thì thời gian khai thác mỏ tại núi Pu Tên được nâng lên 20 năm, quy mô mỏ không tăng nhưng đập chứa bùn nước thải thì được nới rộng. Hiện vùng hạ lưu của 2 đập chứa bùn thải phía Đông này có gần 30 hộ dân sinh sống, trong đó có 9 hộ thường bị đất đá tràn vào nhà khi trời mưa. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là bà con dân bản lo lắng, xã thì phải gồng mình với các phương án cắt cử nhân lực ra canh chừng sự cố để ứng phó trong trường hợp vỡ đập".
Không những lo ngại vỡ đập chứa, từ nhiều năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, các xe chở quặng đã gần như "băm nát" tuyến đường. Phía công ty nhiều lần hứa sẽ làm đường lại cho bà con, nhưng vẫn chỉ là lời hứa. Thêm nữa, việc công ty hứa làm đường bê tông nhưng chưa triển khai cũng khiến dân bản bức xúc, kiến nghị nhiều lần.
Ông Hải dẫn chứng bằng hàng loạt kiến nghị của cử tri từ những năm 2014, 2015 và gần nhất là năm 2019. Cụ thể, thôn Vần Trong kiến nghị UBND xã tìm cách tác động với công ty làm tuyến đường giao thông từ ngã ba Tỉnh lộ 530 và đường lên mỏ dài 700m đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại vô cùng khó khăn. Đây là bức xúc kéo dài suốt nhiều năm qua của dân. Hay như thôn Vần Ngoài đề nghị xem xét việc công ty xả nước xuống suối làm ảnh hưởng đến đồng ruộng dọc suối Pà Cải…
Tác giả: Ngọc Hưng
Nguồn tin: giadinh.net.vn