Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Thanh Hóa qua các năm. Nguồn: pcivietnam.vn |
Sáng 12/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Một trong những vấn đề các được các đại biểu và cử tri quan tâm là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng các “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Đại biểu Bùi Thị Mười - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thuộc đơn vị bầu cử huyện Thạch Thành đặt vấn đề: Tại sao kinh tế - xã hội của tỉnh những năm vừa qua có bước phát triển mạnh nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại giảm?
Đại biểu Bùi Thị Mười rất trăn trở khi chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa giảm mạnh. Ảnh: QD |
Năm 2021, PCI của Thanh Hóa xếp thứ 43/63 tỉnh thành, thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, giảm 15 bậc so với năm 2020. Theo bà Mười, trong điều kiện rất khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách, thành tích trong lĩnh vực văn hóa – xã hội như giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao… của tỉnh rất ấn tượng thì chỉ số PCI như vậy khiến bà rất trăn trở.
“Trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh ta thì nhiều chỉ số thành phần rất thấp. Thấp nhất là chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 57/63 thành phố. Khi chúng tôi đi giám sát, khảo sát thường hay nói là xếp thứ 7 từ dưới lên, xếp đầu từ dưới lên”, đại biểu Mười so sánh, phân tích.
Đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, yếu tố tác động đến chỉ số thành phần đào tạo lao động trong PCI, đại biểu Mười cho rằng, không ít địa phương chưa quan tâm đúng mức, thực hiện chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao, còn có những sai sót trong quá trình thực hiện.
“Từng việc nhỏ, từng việc thường xuyên hằng ngày của chúng ta đã vô hình trung đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp như vậy”, bà Mười nói.
Theo đại biểu Bùi Thị Mười, khi đề cập đến PCI của Thanh Hóa, nếu không phân tích, chỉ rõ thì thấy chung chung, ai cũng vô can, không đụng chạm đến tập thể cá nhân nào. Do đó, về các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, quy trách nhiệm rõ đối với tập thể, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tại phiên thảo luận sáng 12/7, có 20 ý kiến phát biểu của các đại biểu. Theo đánh giá của chủ tọa kỳ họp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao với các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong 6 tháng đầu năm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 6 tháng cuối năm 2022.
Tác giả: Quang Duy
Nguồn tin: giadinhonline.vn