Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường trên phạm vi toàn tỉnh. Bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ; nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đã được nâng lên.
Ngày 3/5, tại Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 1 học sinh tử vong, 4 học sinh khác cùng 1 giáo viên bị thương.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học học đường còn xảy ra tại một số cơ sở giáo dục. Đặc biệt, ngày 3/5, tại Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh đã xảy ra vụ việc kẻ thủ ác đột nhập vào trường dùng vật nhọn tấn công làm 5 học sinh và 1 giáo viên thương vong.
Sở GD&ĐT cho rằng, các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm, tạo mọi điều kiện tăng cường cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường mối đoàn kết tại khu dân cư, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các mâu thuẫn giữa các gia đình nhằm ngăn chặn các vụ bạo lực học đường có thể xảy ra từ các mâu thuẫn này; đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn tại địa phương.
Chỉ đạo các nhà trường bố trí tối thiểu một lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại nhà trường theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ bảo vệ nhà trường, nhằm xây dựng đội ngũ đủ mạnh đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Đối với các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm kết luận của Giám đốc Sở GD&ĐT tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngày ngày 17/4 về đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.
Trong đó các Phòng GD&ĐT, các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, các trường THPT, các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị.
Để kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự cũng như các đối tượng có thể gây mất an ninh, an toàn và gây ra bạo lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, các đơn vị liên quan định kỳ hàng tháng tổ chức giao ban với chính quyền và công an địa phương.
Tiếp tục thực hiện hướng dẫn về việc thành lập Tổ tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông. Các thành viên Tổ tư vấn chủ động trong việc tự bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn trong nhà trường.
Cùng với đó, các nhà trường phải xây dựng “Nội quy ra vào trường học”, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ra vào cổng trường. Đối với khách khi đến làm việc phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy giới thiệu và tuân thủ theo sự hướng dẫn của bảo vệ thường trực nhà trường.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa lưu ý các đơn vị trường học tuyệt đối không mở cổng trường trong giờ học cũng như giờ ra chơi của học sinh; chỉnh trang, tu sửa hệ thống tường rào, cổng trường, nhà thường trực...
Khuyến khích lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các nhà trường để kịp thời xử lý khi có người lạ đột nhập và các vụ việc bất thường xảy ra trong khu vực trường học.
Ngành giáo dục đề nghị các cấp cần quan tâm, tạo mọi điều kiện tăng cường cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, trang bị đầy đủ các dụng cụ tại Phòng Y tế của nhà trường nhằm phục vụ tốt cho việc sơ cứu ban đầu khi có tai nạn, thương tích xảy ra.
Để kịp thời ứng phó và xử lý các trường hợp bất thường xảy ra, các đơn vị trường học cần kiện toàn Tổ bảo đảm an ninh, an toàn trường học; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đảm nhiệm các khu vực trước, trong và sau các buổi học.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò tự quản của học sinh và giáo viên trong nhà trường. Thường xuyên bao quát các hoạt động diễn ra trong khu vực trường học, đặc biệt trong giờ ra chơi của học sinh.
Chủ động trong việc thu thập, nắm bắt thông tin và kịp thời xử lý những bất đồng, mâu thuẫn của học học sinh nhằm ngăn chặn bạo lực học đường có thể xảy ra.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí