Trong tỉnh

Thanh Hóa: Khắc phục và sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ

Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được ví như "thành trì vững chắc" như một vành đai khép kín bảo vệ sản xuất, cuộc sống của cộng đồng dân cư trước thiên tai dị thường, đặc biệt là lũ, bão. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã tu bổ, nâng cấp nhiều tuyến đê, hồ đập trên địa bàn tỉnh, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.

Thanh Hóa: Khắc phục và sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2025. Ảnh: P.V

Toàn tỉnh có 57 hồ chứa lớn nhỏ bị hư hỏng

Cùng với sự ảnh hưởng bởi thiên tai cực đoan cũng như các tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sự ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột... trong thân đê, công trình thủy lợi tiềm ẩn sự ảnh hưởng đến mất an toàn cho công trình trong mùa mưa bão.

Qua đợt kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 135 hồ chứa; 106 đập dâng; 257 trạm bơm; 847 công trình kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu; 157 công trình âu, cống tưới, tiêu và 64 công trình khác bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục.

Trong đó có 57 hồ (gồm 2 hồ chứa nước lớn, 4 hồ chứa nước vừa và 51 hồ chứa nước nhỏ) bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tích nước bình thường 16 hồ, số hồ tích nước hạn chế 40 hồ và 1 hồ không tích nước. Số hồ phát sinh mới qua đợt kiểm tra trước lũ năm 2025 là 4 hồ. Tổng số công trình hồ chứa thủy lợi đang triển khai thi công là 26 công trình (có 9 hồ trong danh mục hồ mất an toàn 2025); 25 công trình thủy lợi (trừ đập, hồ chứa) gồm âu thuyền 1 công trình, trạm bơm 10 công trình, kênh mương 14 công trình.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn khẩn trương tổ chức kiểm tra, khắc phục, sửa chữa các hư hỏng và có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2025.

Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, khẩn trương có nhiệm vụ triển khai khắc phục các hư hỏng và có phương án bảo đảm an toàn công trình cống Tiêu Thủy. Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc sông Mã, kiểm tra, khắc phục các hư hỏng và có phương án bảo đảm an toàn công trình cống Nguyễn và cống Lộc Động.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình thủy lợi đang tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.

Không để xảy ra sự cố mất an toàn cho các công trình

Đối với UBND các huyện, thị xã, công ty khai thác công trình thủy lợi có hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Đối với 6 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư nhưng chưa triển khai thi công, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công đảm bảo an toàn công trình.

Tiếp tục rà soát, xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan; trong phương án, yêu cầu chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng công trình, đồng thời có kế hoạch huy động vật tư trong Nhân dân để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Đánh giá nhiệm vụ, quy trình vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành. Tổ chức trực ban trong mùa mưa, lũ và cử cán bộ thường trực tại công trình; thường xuyên kiểm tra an toàn công trình kể cả khi không có mưa, lũ để phát hiện và xử lý ngay từ đầu khi có sự cố xảy ra; vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa. Tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát lũ, các trục kênh tiêu, cửa vào các cống tiêu nhằm chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để tiêu rút nước đệm khi dự báo có mưa lớn xảy ra…

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok