Hơn 2.000 hộ chưa sử dụng điện lưới quốc gia
Màn đêm tăm tối của người dân khi không có điện |
Theo tìm hiểu của PV, Lang Chánh là huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa với 10 xã và 1 thị trấn với dân số chủ yếu là người Thái và Mường chiếm phần lớn (Thái 56,5%; Mường hơn 34,8%) còn lại là người Kinh, Dao, Thổ
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) vẫn còn nhiều bản, làng chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng như bản Nậm Đanh, xã Yên Khương; làng Húng, xã Giao Thiện; làng Thung, Xuốm, xã Đồng Lương…
Việc không có điện khiến cho cuộc sống của người dân ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, người dân không nắm bắt được thông tin thời sự, không nắm bắt được khoa học tiến bộ vào sản xuất, việc học của trẻ em nơi đây cũng bị ảnh hưởng.
Dù nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km nhưng xã Tân Phúc đến thời điểm hiện tại vẫn còn 4 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó, bản Tân Biên cách trung tâm xã khoảng 9km nhưng hàng chục năm qua người dân nơi đây chưa biết đến điện lưới quốc gia là gì, cuộc sống bấp bênh, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, cả bản chỉ có 1 vài nhà có điều kiện thì mua được pin năng lượng mặt trời và sử dụng tuabin nước đặt ở suối để phát điện.
Anh Hà Văn Liên ở bản Tân Biên cho biết: “Nhà tôi có con đang học lớp 7 nhưng vì ở đây chưa có điện nên hàng đêm phải thắp đèn dầu cho con học, những hôm trời mưa thì phải bật đèn pin để học”.
Còn ông Hà Văn Chất-Bí thư chi bộ bản Tân Biên trao đổi rằng: “Cả bản chúng tôi chỉ có 31 hộ nhưng đến nay người dân vẫn phải dùng đèn dầu, tuabin nước, năng lượng mặt trời để chiếu sáng chủ yếu vì bản chưa có điện lưới. Nếu trời mưa, năng lượng mặt trời không đủ pin để chiếu sáng phục vụ sinh hoạt”
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Thanh Nghị-Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lang Chánh cho hay, hiện nay toàn huyện có 10 thôn, bản với khoảng hơn 2.000 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Hàng năm huyện cũng xây dựng kế hoạch gửi Sở Công Thương và Điện lực Thanh Hóa xin kinh phí hỗ trợ, mong muốn bà con sớm có điện lưới sử dụng. Hiện tại nhiều bản, làng cũng đã được Sở Công Thương Thanh Hóa đi khảo sát và dự kiến đầu tư để kéo điện lưới quốc gia về cho bà con.
Nhiều người sử dụng điện “chui”
Nhiều dây điện tự phát gây mất an toàn |
Những hộ dân ở xã Tân Phúc nếu muốn sử dụng điện lưới quốc gia thì họ phải tự góp tiền mua dây, chôn cột kéo điện “chui” từ những làng bên dưới về với khoảng cách 2-3km.
Tại bản Tân Cương, mặc dù đã có hàng cột điện cao thế được dựng lên nhiều năm qua nhưng đến nay điện vẫn chưa có. Chị Hà Thị Huệ ở bản Tân Cương cho biết: “Từ khi tôi lấy chồng về đây 10 năm nay đã thấy cột điện được dựng lên nhưng đến nay vẫn chưa có điện. Khi đó gia đình tôi đã phải tự đóng góp 5 triệu đồng cùng nhiều gia đình khác mua dây điện để kéo điện “chui” từ khu Tân Sơn về để sử dụng”.
Còn bà Phạm Thị Hiên cho hay: “Vì sử dụng điện “chui” nên dòng điện rất yếu, lại chập chờn, chỉ dùng được ban ngày còn ban đêm bóng điện không phát sáng được, vì thế nhiều nhà đành phải mua bóng tích điện, đèn pin để nạp nếu điện yếu quá thì dùng để ăn cơm”
Theo tìm hiểu của PV, chỉ những gia đình nào có điều kiện mới sử dụng điện “chui” được vì lý do đường xa tiền mua dây tốn kém, hơn nữa dây truyền tải nhỏ khiến việc hao hụt điện lớn nên mỗi hộ dân có thể phải trả từ 5-6 nghìn đồng cho 1 số điện sử dụng và hàng tháng có nhà lên đến hơn 500 ngàn đồng tiền điện.
Bên cạnh đó do chưa có cột điện cố định nên dây điện được người dân kéo về bản rất tạm bợ, thường đi qua những cây tre, gỗ thấp sà cả xuống đường, nhất là công tơ điện được treo ở thấp gây nguy hiểm cho người đi lại.
Nói về việc nhiều người dân ở những nơi chưa được sử dụng điện lưới quốc gia phải dùng điện “chui”, ông Lê Thanh Nghị cho hay: “Việc người dân muốn kéo điện về sử dụng thì họ thỏa thuận, hợp đồng với ngành điện và tự đứng ra thu tiền nộp lại cho ngành điện”.
Tác giả: Trần Nghị
Nguồn tin: Báo Infonet