Mùa mưa, lũ năm 2017 đã đến, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu. Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khoảng 60 bãi tập kết cát ở 11 huyện, thị xã và thành phố phải thanh thải trước mùa mưa. Tuy nhiên, các chủ bãi cát vẫn cố tình không thanh thải và một số địa phương lại "thờ ơ" trong việc quản lý dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho các công trình đê điều khi có lũ là rất cao.
Bãi tập kết cát trên sông Bưởi phớt lờ quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa
Tại Điều 2, khoản 5 Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định, các đơn vị chỉ được phép tập kết, kinh doanh cát trên bãi từ ngày 30/11 năm trước đến ngày 30/4 năm sau (những tháng còn lại từ 1/5 đến 30/11 hàng năm là mùa mưa bão không được phép tập kết), không được xây dựng các công trình kiên cố là nơi điều hành bảo vệ, kho chứa hàng hóa, đường giao thông.
Bãi cát trên sông Lạch Trường thách thức cơ quan chức năng
Ngày 31/5/2017, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 54 gửi các địa phương yêu cầu khẩn trương thanh thải toàn bộ các bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các bãi sông trong mùa mưa lũ (từ ngày 5/5 đến 30/11 hàng năm). Tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa có động thái triển khai thực hiện. Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc "xây dựng kế hoạch".
Trong khi tại Điểm a, Mục 2, Điều 23 Luật Đê điều năm 2006 quy định: "Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển".
Trên sông Bưởi, bãi tập kết, kinh doanh cát của Công ty TNHH Phạm Đức Minh Anh vẫn đông đúc xe cộ và tàu thuyền bơm hút cát. Bãi tập kết với hàng nghìn mét khối cát đang được máy xúc ngoặm những ngầu lớn đưa lên xe tải mang đi tiêu thụ. Cát tràn cả ra mặt đê, nước lắng đọng chảy ào ào trở lại sông Bưởi gây ô nhiễm mặt nước sông.
Trước đó, ngày 4/5/2017, UBND huyện Vĩnh Lộc có Công văn số 445/UBND-TNMT yêu cầu các Công ty, HTX có bãi kinh doanh, tập kết cát, sỏi dòng sông trên địa bàn huyện dừng hoạt động tập kết cát, sỏi vào bãi tập kết kể từ ngày 15/5 đến ngày 30/10/2017. Các bãi tập kết đang còn cát sỏi trong bãi tập trung giải tỏa hoặc di chuyển số lượng cát sỏi đến vị trí phù hợp để không cản trở dòng chảy của các sông trong mùa mưa lũ.
Tại sông Lạch Trường, hoạt động bơm, hút cát gần chân cầu Tào Xuyên vẫn đang diễn ra rầm rộ. Các bãi tập kết cát nằm trong hành lang thoát lũ vẫn cao “ngất ngưởng”. Thậm chí tại nhiều bãi, cát và phương tiện được tập kết ngay sát mép sông gây nguy cơ cản trở dòng chảy rất cao.
Tại huyện Thiệu Hóa, 8/8 mỏ cát đang hoạt động đều đã được chính quyền địa phương đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra về các quy định thanh thải bãi trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, theo quan sát, việc hạ độ cao tại một số bãi vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt, 8 bãi tập kết cát trên địa bàn huyện hiện nay đều không có bến thủy nội địa, khiến cát trên các bãi có thể bị trôi xuống dòng sông gây cản trở việc ra vào của tàu thuyền và ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Nhân, Phó chi cục trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết: "Hàng năm trước khi mùa mưa bão Chi cục đều có văn bản thông báo cho các chủ bãi cát, đảm bảo trước ngày 30/5 phải thanh thải hết số cát trên bãi. Ngoài ra, Chi cục còn tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN ra văn bản gửi về các huyện, thị xã, thành phố để các huyện vào cuộc chỉ đạo các chủ bãi cát thanh thải cát, hạ thấp độ cao san gạt trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên hiện nay, do nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, cùng với ý thức của các chủ bãi cát chưa cao nên việc thanh thải bãi cát chưa dứt điểm".
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý