Ông Dương Cường, phường An Hưng, người dân bị ảnh hưởng dự án cho hay: “Người dân chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước, gia đình tôi đã nhận đủ tiền hỗ trợ, tiến hành tháo dỡ công trình và bàn giao mặt bằng cho chính quyền. Theo tôi được biết vẫn còn một số hộ chưa đồng tình với phương án bồi thường nên chưa đồng thuận”.
![]() |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về áp dụng hỗ trợ khác trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Đức Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về áp dụng hỗ trợ khác trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, thành phố Thanh Hóa. Ngày 20/02/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã chủ trì phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng), Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), UBND tỉnh tổ chức hội nghị xem xét kiến nghị của UBND thành phố. Tại hội nghị, các Sở đề nghị UBND thành phố làm rõ một số nội dung dung liên quan đến thời gian hình thành tài sản của từng hộ, chi phí hỗ trợ, hỗ trợ khác.
Cụ thể, đối với 51 hộ phố Cao Sơn, phường An Hưng có diện tích ảnh hưởng 4.017,1m2 (gồm 48 hộ có tài sản trên đất, 03 hộ đất trống) có nguồn gốc sử dụng đất do huyện Đông Sơn giao đất có thu tiền sử dụng đất, tại thời điểm giao đất không được san lấp mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sau khi nhận vị trí thửa đất được giao, các hộ dân tự ý xây dựng nhà, các công trình, trồng cây trên phần đất lưu không phía trước thửa đất được giao đến Quốc lộ 47 (đại lộ Lê Lợi hiện nay). Theo số liệu kiểm kê, tổng giá bồi thường đối với vật kiến trúc (nhà xưởng, tường rào, bán bình, sân...) và cây trồng (cây bóng mát, cây cảnh) theo giá trị hiện hành của 48 hộ nêu trên khoảng 12,27 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, rà soát cho thấy toàn bộ tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất của đã được kiểm kê nằm ngoài giấy chứng nhận đã được cấp, các hộ đã vi phạm hành lang đường bộ. Thời điểm xây dựng, kết quả rà soát xác nhận thời điểm hình thành tài sản do UBND phường An Hưng cung cấp cho thấy các hộ gia đình nêu trên đã xây dựng công trình trong thời gian từ năm 1996 đến tháng 5/2008 và không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền.
UBND thành phố đã kiểm tra, xác nhận các hộ dân đã vi phạm hành lang đường bộ (việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là các hộ dân đã biết mốc giới, chỉ giới thửa đất với tim đường) và công trình của các hộ được xây dựng trong thời gian từ năm 1996 đến tháng 5/2008, không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền.
Từ lý do trên, theo quy định các hộ không thuộc diện được hỗ trợ, để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giảm bớt thiệt hại kinh tế cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh cho phép hỗ trợ khác đối với 48 hộ trên, mức hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường theo quy định của UBND tỉnh, tổng giá trị hỗ trợ khoảng 6,14 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều hộ dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhận tiền hỗ trợ và tiến hành tháo dỡ công trình. |
Các hộ xây nhà, công trình trên đất không đủ điều kiện được bồi thường tại phường Phú Sơn. Có 52 hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc được UBND phường giao đất trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1994 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các khu đất này có một mặt tiếp giáp với Quốc lộ 47 (đại lộ Lê Lợi hiện nay), trong quá trình sử dụng đất, các hộ này đã xây dựng nhà cao tầng, nhà bán mái, bán bình... trên phần đất lưu không của Quốc lộ 47 tiếp giáp với khu đất các hộ được giao với tổng diện tích đang sử dụng khoảng 1.010,27m2 (nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), giá trị bồi thường theo đơn giá hiện hành khoảng 5,86 tỷ đồng.
Qua kiểm tra rà soát cho thấy phần công trình, vật kiến trúc nêu trên đã vi phạm hành lang đường giao thông của Quốc lộ 47. Thời điểm xây dựng, theo kết quả rà soát xác nhận thời điểm hình thành tài sản do UBND phường Phú Sơn cung cấp cho thấy các hộ gia đình nêu trên đã xây dựng công trình trong thời gian từ năm 1983 đến tháng 2/2003 và không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền.
UBND thành phố đã kiểm tra, xác nhận các hộ dân đã vi phạm hành lang đường bộ (việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là các hộ dân đã biết mốc giới, chỉ giới thửa đất với tim đường) và công trình được xây dựng trong thời gian từ năm 1983 đến tháng 2/2003, không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền.
Căn cứ theo quy định, các hộ không thuộc diện được hỗ trợ, UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh cho phép hỗ trợ khác đối với 52 hộ trên, mức hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường theo quy định của UBND tỉnh, tổng giá trị hỗ trợ khoảng 2,93 tỷ đồng.
Tuy nhiên, còn 6 hộ xây nhà ở được UBND thành phố cấp phép xây dựng có thời hạn, đã có phương án cụ thể trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng hộ.
Tác giả: Tiến Anh
Nguồn tin: baoxaydung.com.vn