Thế hệ trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được nâng cao nhận thức pháp luật, hôn nhân và gia đình. |
Vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2021 – 2025 có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện 30a gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và 6 huyện có xã, thôn bản vùng DTTS và miền núi với tổng số 174 xã, 1.551 thôn/bản/khu phố với tổng số thôn đặc biệt khó khăn là 318 thôn.
Trong giai đoạn II của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Tiểu Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thuộc Dự án 9 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, công tác tuyên truyền, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả. Quá trình triển khai đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Ông Cầm Bá Trường, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 2022 đến 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 247 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 663 đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản đồng bào dân tộc Mông của 4 huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc Thanh Hóa tỉnh còn thực hiện biên soạn, phát hành các sản phẩm truyền thông tuyên truyền thực hiện Đề án và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Số lượng cấp phát gồm: 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp. Đặc biệt, khi thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021 – 2025), từ năm 2021 đến 2023, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 2.883 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để triển khai các nội dung hoạt động của Đề án. Trong giai đoạn 2021 – 2023, các ngành, các huyện cũng đã đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền thực hiện Đề án 498 và Tiểu Dự án 9.2, mang lại những hiệu quả tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh có xu hướng giảm dần.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn 11 huyện miền núi từ 2,38% năm 2021 xuống còn 2,34% năm 2022. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước và các huyện giáp ranh có xã, thôn vùng DTTS và miền núi. Còn về hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2021 – 2023, toàn tỉnh có một cặp hôn nhân cận huyết thống tại huyện Mường Lát xảy ra vào năm 2021. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã không còn hôn nhân cận huyết.
Ông Cầm Bá Trường cho biết thêm, qua công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Đề án từ năm 2016-2020, đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản… mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tạo được sự đồng thuận trong xã hội để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Với các sản phẩm truyền thông phong phú đã góp phần phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân nhận biết về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Tác giả: MINH ANH
Nguồn tin: daidoanket.vn