|
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến 2014, toàn vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có 1.207 cặp nam nữ vị thành niên tảo hôn, 86 cặp hôn nhân cận huyết thống; bình quân hằng năm có từ 250 đến 400 cặp tảo hôn, hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống. Tỷ lệ các cặp tảo hôn sinh con nhẹ cân, trẻ bị bệnh, dị tật bẩm sinh khá cao so với các cặp hôn nhân đúng độ tuổi quy định. Từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS đến năm 2020. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung đề án; phân công cán bộ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cùng với xử lý nghiêm vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cùng các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
Ban Dân tộc tỉnh cùng cơ quan chuyên môn biên soạn các tài liệu tiếng Việt, phiên âm tiếng dân tộc có nội dung tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cấp phát tờ gấp, áp-phích, sổ tay hỏi đáp các quy định pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; biện pháp phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến đồng bào các dân tộc; tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ truyền thông xã, thôn; phổ biến, giáo dục Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép thực hiện đề án với chương trình công tác hằng năm của các đơn vị chuyên môn, trường học. Đến hết tháng 7 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã biên soạn, phát hành, cấp phát đến 223 xã miền núi 33.450 tờ gấp, 11.150 cuốn sổ tay, 7.805 tờ áp-phích; trong đó, mỗi xã nhận được 50 cuốn sổ tay, 150 tờ gấp, 35 tờ áp-phích; hoàn thành xây dựng, lắp đặt 232 pa-nô tuyên truyền phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cơ quan thường trực chủ trì phối hợp Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức ba hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 250 cán bộ xã, thôn, bản thuộc ba huyện có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao là: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa; qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền các bộ luật liên quan như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hướng dẫn thực hiện hiệu quả Đề án. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) tập huấn triển khai Quyết định số 498/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” cho cán bộ, chuyên viên Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc các huyện thuộc bốn địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, TP Hà Nội; trong đó Thanh Hóa có thêm 30 đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, cán bộ chi hội phụ nữ thôn, chi đoàn thanh niên, người có uy tín, già làng ở sáu xã thuộc huyện Lang Chánh cùng tham gia.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Cầm Bá Tường đánh giá: Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư vấn tuổi lấy vợ, lấy chồng, thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định. Triển khai thực hiện Đề án đã nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ chuyên trách, không chuyên trách ở cơ sở, huy động sự tham gia tích cực của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, thay đổi tập quán cộng đồng, hành vi của nhóm người trong độ tuổi sinh sản, dần bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. Hiện, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu bố trí tài chính hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 18 xã, trường học trên địa bàn chín huyện nhằm đánh giá hiệu quả, tổng kết, nhân ra diện rộng.
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu tất cả cán bộ, công chức các xã, thôn, bản vùng dân tộc, miền núi, người có uy tín trong đồng bào DTTS được quán triệt, cung cấp thông tin, kiến thức và cam kết thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực hôn nhân và gia đình; 80% số đồng bào DTTS, các đối tượng vị thành niên, thanh niên DTTS, phụ huynh, học sinh các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, bán trú được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan lĩnh vực hôn nhân... Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Lương Văn Bường chia sẻ, phạm vi thực hiện đề án hướng tới nhân rộng ở 11 huyện miền núi, bảy huyện, thị xã ở miền xuôi, phấn đấu đến năm 2020 ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; qua đó thiết thực nâng cao trí lực, thể lực, tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững...
Tác giả: MAI LUẬN
Nguồn tin: Báo Nhân dân