Trong tỉnh

Thanh Hóa: Dự án đã bị “khai tử”, chính quyền vẫn cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với doanh nghiệp

Dự án Xưởng gia công, chế tạo cơ khí tại phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn của Công ty CP đầu tư tài chính Nghi Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5386/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 đã hết giá trị pháp lý. Tuy nhiên, chính quyền sở tại vẫn yêu cầu cưỡng chế kiểm đếm với các doanh nghiệp và người dân thuộc phạm vi đầu tư của dự án để hoàn thiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Từ lá đơn kêu cứu của doanh nghiệp

Tầm Nhìn đã nhận được đơn phản ánh của Công ty TNHH đầu tư dịch vụ thương mại An Bình, một doanh nghiệp đang hoạt động xưởng gia công, chế tạo cơ khí tại phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Theo đơn phản ánh, dù đang hoạt động thực tế, đáp ứng nhu cầu bảo trì cho các doanh nghiệp hoạt động các ngành công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu vực lân cận, nhưng UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn chấp thuận chủ trương giao cho Công ty CP tài chính Nghi Sơn trên chính diện tích mà Công ty TNHH An Bình đang hoạt động ổn định, khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ phá sản và gây một làn sóng bất bình với các cơ quan công quyền của tỉnh Thanh Hoá.

Cụ thể, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP tài chính Nghi Sơn là “Xây dựng nhà để ở”. Trong 16 ngành nghề đăng ký kinh doanh, được phép hoạt động của Công ty CP tài chính Nghi Sơn thì không có ngành nghề nào liên quan đến dự án xưởng gia công, chế tạo cơ khí mà đơn vị này đã và đang xin chủ trương. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu rằng Công ty này thực sự có năng lực trong lĩnh vực thi công xưởng gia công, chế tạo cơ khí hay không? Bởi nếu một doanh nghiệp không có chức năng ngành nghề, năng lực hạn chế thì chất lượng hoạt động sẽ không đảm bảo và có thể sẽ trở thành hiểm hoạ? Việc “ưu ái” cho một doanh nghiệp này nhưng lại đẩy doanh nghiệp khác đến bờ vực phá sản phải chăng phía sau có điều gì khác?

Công ty TNHH An Bình đang hoạt động xưởng gia công, chế tạo cơ khí tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá.

Được biết, Công ty TNHH An Bình đã nhiều lần làm thủ tục xin thuê đất để xây dựng nhà xưởng ổn định sản xuất. Thế nhưng, câu trả của các cấp trong đó có Ban Quản lý KKT Nghi Sơn giải thích rằng vị trí đất của Công ty nằm trong quy hoạch của khu Gang thép nên chưa có cơ sở xem xét.

Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án. Mục đích của nhà đầu tư kiểu này là sau khi được giao đất, cho thuê đất sẽ chuyển nhượng để hưởng tiền chênh lệch. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như Công ty Cổ phần tài chính Nghi Sơn là doanh nghiệp thực sự có năng lực để thực hiện dự án Xưởng gia công, chế tạo cơ khí.

Hiện nay các dự án được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của địa phương. Hơn nữa doanh nghiệp cũng không phải lo lắng quá về vốn đầu tư bởi phần lớn vốn đã được các tổ chức tín dụng bảo lãnh. Với những lợi nhuận chênh lệch không hề nhỏ mà không ít doanh nghiệp bằng mọi cách để có được dự án sau đó chuyển nhượng dẫn đến dự án treo, làm méo mó hoạt động đầu tư, gây nhiều hệ luỵ và lãng phí đầu tư xã hội. Đáng nói, các cấp chính quyền dù biết nhưng vẫn giao đất.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH An Bình đang hoạt động trên khu đất có diện tích khoảng 4.000m2, đa dạng các loại máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động gia công, chế tạo cơ khí với số vốn đầu tư để đi vào hoạt động là 20 tỷ đồng. Có mặt thực tế tại xưởng gia công, chế tạo cơ khí của Công ty An Bình, phóng viên ghi nhận doanh nghiệp này đã xây dựng nhà xưởng kiên cố với quy mô lớn, gồm nhiều hệ thống máy móc, các hoạt động sản xuất vẫn đang diễn ra ổn định. Đa phần công nhân đang làm việc ở đây đều là thợ cơ khí tay nghề cao, độ tuổi 30-50 tuổi. “Nguyện vọng của chúng tôi là được ổn định, tiếp tục sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương cũng như của chính các doanh nghiệp và người lao động”, ông Linh cho biết thêm.

Công ty TNHH An Bình đang hoạt động sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu bảo trì cho các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn và các khu vực lân cận.

Dự án đã bị “khai tử” nhưng chính quyền vẫn cưỡng chế kiểm đếm?
Dự án Xưởng gia công, chế tạo cơ khí tại phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn của Công ty CP đầu tư tài chính Nghi Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5386/QĐ-UBND ngày 18/12/2020, đã hết giá trị pháp lý. Tuy nhiên, chính quyền sở tại vẫn yêu cầu cưỡng chế kiểm đếm với các doanh nghiệp và người dân thuộc phạm vi đầu tư của dự án để hoàn thiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tại Quyết định số 3982 ngày 11/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Quyết định số 5386/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp đến hết tháng 3 năm 2022, Công ty CP đầu tư tài chính Nghi Sơn không hoàn thành các hồ sơ, thủ tục và khởi công xây dựng dự án theo quy định thì Quyết định này không còn giá trị pháp lý, Công ty CP đầu tư tài chính Nghi Sơn không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.

Được biết, ngay sau khi dự án hết hiệu lực, ngày 2/4/2022, Chủ đầu tư là Công ty CP Tài chính Nghi Sơn đã có văn bản gửi BQL Khu kinh tế Nghi Sơn & các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn đến ngày 30/10/2022. Tuy nhiên, cho đến nay đề xuất này của chủ đầu tư chưa được xem xét, giải quyết. Điều đó có nghĩa là dự án này đã chính tức bị khai tử.

Mặc dù dự án đã hết hiệu lực triển khai nhưng ngày 23/3/2022, UBND Thị xã Nghi Sơn vẫn ra Quyết định số 2461 về việc cưỡng chế bắt buộc đối với Công ty An Bình. Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH An Bình cho biết: “Nhận thấy việc đầu tư này là phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018. Vì vậy doanh nghiệp chúng tôi đã tiến hành xây dựng nhà xưởng và sử dụng ổn định từ năm 2016 đến nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, những ngày gần đây Công ty chúng tôi đang vô cùng hoang mang lo lắng đứng trước nguy cơ phá sản, các hợp đồng ký kết sẽ bị huỷ, công nhân mất việc”.

Thiết nghĩ, với việc Công ty tài chính Nghi Sơn không đủ năng lực triển khai dự án, Quyết định Chủ trương đầu tư dự án đã bị vô hiệu thì việc tạo điều kiện để doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh cùng nghành nghề trên chính mảnh đất đầu tư dự án là việc làm cần thiết, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như điều kiện kinh tế xã hội thực tế tại địa phương./.

Tác giả: Quản Trọng - Thuận Thiên

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok