Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của người cao tuổi xã Thạch Định, huyện Thạch Thành tại điểm lưu trú tránh lũ. |
Trong đợt mưa, lũ vừa qua, Thanh Hóa là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, hệ thống đê điều bị sạt lở, thẩm lậu... Tuyến đê do các địa phương quản lý bị tràn và xấp xỉ tràn nhiều điểm.
Lực lượng vũ trang tỉnh đã phải huy động hơn 10 nghìn người mang theo phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn, nỗ lực khắc phục hậu quả. Đê bao ở huyện Nông Cống, kênh nội đồng ở huyện Thiệu Hóa bị vỡ. Gần 18 nghìn hộ dân khu vực bãi sông, ven sông suối, vùng trũng thấp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã phải di dời đến nơi an toàn. Mặc dù đã phải huy động mọi nguồn lực, cả người và phương tiện để ứng phó nhưng lũ lụt vẫn làm 15 người chết, năm người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, hàng trăm nhà bị trôi, sập, hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu bị ngập; nhiều tuyến đường, trường học, trạm y tế, công trình công cộng bị hư hỏng nặng.
Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, với tổng lượng mưa gần 301 mm, kết hợp nước bên tỉnh Hòa Bình đổ về, nước trên sông Bưởi có đỉnh lũ 13,89 m, trên mức báo động ba 1,89 m, nước tràn vào khiến đồng ruộng, hệ thống giao thông, kênh mương, một số công trình công cộng, 658 hộ dân trong xã bị ngập nước.
Để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, trước mắt tỉnh Thanh Hóa bố trí nguồn ngân sách dự phòng giúp các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó huyện Lang Chánh hỗ trợ 200 triệu đồng để tạo dựng lại nhà ở cho 10 hộ dân bị sập nhà, lũ cuốn trôi.
Sáng 13-10, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa tổ chức chuyển mì tôm, nước uống, tiền hỗ trợ hộ dân bị sập, hư hỏng nhà ở, nhân dân vùng ngập lũ trên địa bàn huyện Thạch Thành với tổng trị giá gần 250 triệu đồng. Theo báo cáo của huyện Thạch Thành, mưa lũ đã làm ngập lụt 165 thôn ở 25 xã, thị trấn. UBND huyện Thạch Thành trích ngân sách 200 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm, nước uống, hóa chất khử trùng, trợ giúp nhân dân các địa phương vùng bị ngập lụt.
Đến với 38 hộ gia đình đang tạm trú tại hai trường học trên đỉnh đồi phía sau UBND xã Thạch Định, chúng tôi được biết: để bảo đảm sinh hoạt cho người dân tránh lũ, cấp ủy, chính quyền xã Thạch Định đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự phòng, bên cạnh đó nhiều hộ gia đình vẫn mang theo lương thực, thực phẩm khô..., bảo đảm nhu cầu sử dụng cho cả tuần tránh lũ. Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Định Hoàng Ngọc Đỉnh cho biết: Lũ trên sông Bưởi đến cao trình 12 m, chính quyền xã đã báo động cấp 3, tiến hành di chuyển dân vùng nguy cơ ngập lũ đến nơi an toàn từ ngày 11-10. Khoảng 70 dân quân xã Thạch Bình, xã Thạch Sơn chung tay giúp xã Thạch Định di chuyển dân theo phương án ứng phó. Lực lượng y tế cơ sở cũng được tăng cường cơ số thuốc thiết yếu cùng các phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đến chiều 13-10, nước cơ bản đã rút hết trên đoạn quốc lộ 1A, người và các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ lưu thông bình thường. Tuy nhiên, nước sông Hoạt, sông Lèn vẫn còn ở mức cao, huyện Hà Trung đã phải sơ tán 660 hộ dân đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị huyện Hà Trung tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân bị ngập lụt nhanh chóng ổn định cuộc sống. Sau mưa lũ, triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, bảo trì đường bộ, khôi phục sản xuất vụ đông.
Tác giả: MAI LUẬN
Nguồn tin: Báo Nhân dân