Từ một tỉnh nghèo, năng lực cạnh tranh thấp, bằng nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, chính quyền địa phương đã từng bước đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Công trường xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. |
Những con số ấn tượng
Trong năm 2016, đã thu hút được 213 dự án (trong đó có 13 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28.066 tỷ đồng và 160,6 triệu USD. Một số dự án lớn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,05%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 1.620 USD. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,1%.
Toàn tỉnh có 1 huyện, 158 xã và 300 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỷ đồng, vượt 1,7% kế hoạch; tỉnh có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa đón 6,3 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ (khách quốc tế tăng 18,5%); vận tải hành khách của Cảng hàng không Thọ Xuân gấp 1,6 lần năm 2015 (đạt 820 nghìn lượt người). Xuất khẩu đạt 1,737 tỷ USD, vượt 7,2% kế hoạch.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% (giảm 2,5%); giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tốt nhất trong nhiều năm gần đây; thể thao thành tích cao tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD (năm 2017 đạt 1.750 USD); tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 615 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 2 tỷ USD trở lên (kế hoạch năm 2017 đạt 1,85 tỷ USD).
Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 35%; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới năm 2020 đạt 60% trở lên (năm 2017 đạt 35,4%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 đạt 13.512 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.312 tỷ đồng...
Mục tiêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo nền tảng đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đến với Thành phố Thanh Hoá, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, bởi thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại kết nối với thành phố Sầm Sơn và huyện Đông Sơn; tập trung xây dựng khu đô thị mới trung tâm thành phố đồng bộ, hình thành khu đô thị kiểu mẫu, tạo bộ mặt mới cho thành phố.
Bên cạnh đó, Thanh Hoá có triển vọng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch với tiềm năng lớn khi có tới 150km bờ biển, 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đã được xếp hạng, tiêu biểu như Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Khu tưởng niệm Bác Hồ, Thiền viện Trúc Lâm, Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, làng cổ Đông Sơn; hiện nay, các di tích đã và đang được quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.
Điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư
|
Thanh Hóa đã và đang trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài việc có vị trí thuận lợi, nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp lớn “để mắt” đến Thanh Hóa chính là môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng.
Ngoài việc linh hoạt vận dụng và xây dựng những cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn riêng để thu hút, mời gọi đầu tư, Thanh Hóa còn đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Chưa kể hàng năm, tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến thăm dò doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các nhà đầu tư đến với Thanh Hoá, sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Doanh nghiệp thành lập mới khi đầu tư vào tỉnh được hưởng thuế suất ưu đãi với mức 10% - 17%, áp dụng trong vòng 10 năm, 15 năm hoặc suốt thời gian hoạt động; đồng thời, được miễn thuế từ 2 - 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 4 - 9 năm tiếp theo.
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án sử dụng đất xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp.
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.
Theo ông Hoàng Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, môi trường đầu tư vào Thanh Hóa đã và đang liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.
Cùng với sự phát triển kinh tế, Thanh Hóa đang chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài các chính sách ưu đãi của Trung ương, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Việc thu hút đầu tư không đơn giản chỉ là kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với Thanh Hóa mà đã chuyển sang hướng Thanh Hóa tự tìm đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư để mời gọi.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2017”, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư cho 32 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ (tương đương khoảng 6,1 tỷ USD), trong đó có dự án
Nhà máy nhiệt điện Nghi sơn 2, có công suất 1.200 MW, với số vốn đầu tư 2,5 tỷ USD và 2 nhà máy điện mặt trời có công suất hơn 200 MW cùng với 1 nhà máy sản xuất ô tô điện có số vốn đầu tư nửa tỷ USD.
Lĩnh vực chế tạo, chế biến chiếm phần lớn khoảng 76.500 tỷ đồng. Đáng chú ý là những dự án liên quan đến phát triển đô thị (21.500 tỷ), dự án du lịch khoảng 22.800 tỷ đồng, y tế 2.500 tỷ đồng, nông nghiệp 12 nghìn tỷ đồng.
Thanh Hoá sẽ kêu gọi đầu tư vào rất nhiều dự án phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, tỉnh này sẽ kêu gọi đầu tư vào 13 dự án nhà máy sản xuất với tổng vốn khoảng trên 1,4 tỷ USD như nhà máy sản xuất nhựa PVC, nhà máy methanon, nhà máy cao su tổng hợp, thép không gỉ…ở KCN Nghi Sơn;
Các dự án thuộc lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD như khu du lịch phía Đông ven biển Sầm Sơn quy mô 200ha, dự án khu du lịch ven biển Quảng Xương 300ha, khu du lịch sinh thái Hồ Yên Mỹ 120ha, khu du lịch Hàm Rồng 562ha, khu suối cá Cẩm Lương 300ha…
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu phát triển là tranh thủ thời cơ, vận hội mới; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thanh Hóa là vùng kinh tế năng động, nhiều tiềm năng, là hình ảnh nước Việt Nam thu nhỏ với nhiều thế mạnh cụ thể như người dân thông minh, cần cù, hiếu học, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Trên cơ sở đó, Thanh Hóa cần xây dựng quy hoạch tổng thể giúp tỉnh phát triển mạnh, bền vững hơn trong tương lai.
Tác giả: Văn Đương
Nguồn tin: Báo Doanh nhân