Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ngô trên đất 2 lúa, với định mức hỗ trợ 650.000 đồng/ha. Ngoài ra, các hộ nông dân, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sử dụng các giống ngô biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép phù hợp với điều kiện sản xuất vụ Đông tại Thanh Hóa cũng được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ha.
Về kinh phí thuê, mượn đất, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cá nhân có quy mô diện tích thuê đất để sản xuất mỗi loại cây trồng từ 5ha trở lên đối với ngô thương phẩm, ngô trồng dày làm thức ăn chăn nuôi, ngô ngọt xuất khẩu được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Các Hợp tác xã, tổ hợp tác có diện tích trồng dưa xuất khẩu, ớt, khoai tây, rau đậu các loại từ 3ha trở lên cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.
Đợt 1, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tạm cấp 70%, tương đương hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ mua giống ngô gieo trồng trên đất 2 lúa, kinh phí mua giống ngô biến đổi gen sản xuất quy mô hàng hóa lớn và kinh phí thuê đất thời vụ. Phần kinh phí còn lại, sau khi UBND các huyện thị xã, thành phố nghiệm thu, tổng hợp sẽ trình Chủ tịch UBNd tỉnh cấp bổ sung.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để nguồn hỗ trợ đến tận tay người nông dân, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện các thủ tục cấp kinh phí cho các địa phương để triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương.
UBND các huyện, thị, thành phố triển khai Quyết định đến các xã, phường, thị trấn; hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… để đạt năng suất, sản lượng và hiệu quả cao nhất. Các địa phương triển khai thực hiện, quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của nhà nước.
Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 434.000 ha, trong đó, vụ Đông 50.000 ha; giá trị sản xuất ngành trồng trọt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 56,5 tỷ đồng so với năm 2017; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1,6 triệu tấn và chuyển đổi được trên 5.600 ha đất trồng lúa kém hiệu sang trồng các loại cây có giá trị cao.
Để đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hoá đồng bộ và thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ theo quy định.
Về kế hoạch sản xuất vụ Đông 2017 - 2018, ngành nông nghiệp xác định ngô, đậu tương, lạc và rau đậu các loại là cây trồng chính. Để sản xuất vụ đông đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, cần lựa chọn diện tích đất phù hợp, nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong quá trình cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, tổ chức tốt việc sản xuất liên kết theo chuỗi để nhân rộng mô hình đạt tiêu chuẩn Vietgap, tăng cường khuyến cáo nông dân thực hiện đúng hợp đồng, tránh tình trạng bán sản phẩm không đúng qui định gây tổn thất về kinh tế…
Tác giả: Khiếu Tư
Nguồn tin: thethaovaxahoi.vn