Dự án thuỷ điện Hồi Xuân sau 12 năm triển khai vẫn dang dở. |
Nghìn tỷ “đắp chiếu” phơi mưa nắng
Dự án thủy điện Hồi Xuân (xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 3/2010, có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 432 triệu KWh.
Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Hồi Xuân (VNECO - thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Mục tiêu vào tháng 10/2012, Thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, chặn dòng lần 2 cuối năm 2013 và đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi công rầm rộ, do không đủ năng lực về tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6/2014, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông có trụ sở tại TPHCM mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 90% cổ phần của VNECO.
Năm 2015, Dự án Thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, năm 2016, dự án được thi công trở lại. Tuy nhiên, từ quý II năm 2018, Dự án Thủy điện Hồi Xuân lại phải tạm dừng do thiếu vốn.
Hiện dự án nghìn tỷ dừng thi công, nhiều trang thiết bị, vật tư đang “đắp chiếu”. Sau nhiều năm không thi công, sắt thép, đinh ốc bị hoen gỉ, máy móc, vật tư vứt chỏng trơ xung quanh, cỏ dại mọc um tùm… Hạng mục cầu treo thi công hoàn trả cho dân cũng trong tình trạng hoen gỉ.
Được biết, có 448 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện đã có 364 hộ thực hiện tự xen cư và ổn định cuộc sống, còn 84 hộ vẫn chưa thực hiện xen cư, trong đó có 45 hộ vẫn chưa được nhận đền bù.
Theo UBND huyện Quan Hóa, hiện chủ đầu tư đang làm việc với các cơ quan chức năng, ngân hàng để ký kết hợp đồng mua bán điện và vay vốn bổ sung cho dự án.
Không được hoàn trả cây cầu treo khiến hàng trăm hộ dân các bản Phé, Bá, Mí phải đi đò nguy hiểm. |
“Bội tín” với dân
Trao đổi với PV GD&TĐ, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) cho biết, huyện đã có rất nhiều văn bản gửi lên tỉnh báo cáo tình trạng và đề xuất tỉnh có phương án tháo gỡ liên quan đến Dự án Thuỷ điện Hồi Xuân này. “Dù biết, bà con rất khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dự án, tuy nhiên, do những công trình thuộc trách nhiệm hoàn trả của thuỷ điện Hồi Xuân nên không thể sử dụng vốn địa phương để đầu tư. Chúng tôi rất mong mỏi dự án nhanh chóng triển khai để bà con sớm ổn định cuộc sống. Nếu dự án không thể triển khai thì cũng mong muốn tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con trước, khi dự án triển khai trở lại thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá nêu quan điểm. |
Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân, trên 50 hộ dân bản Sa Lắng đã chấp nhận di dời nhà cửa về khu tái định cư. Đổi lại, chủ đầu tư thuỷ điện Hồi Xuân sẽ hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà văn hóa, đổ đường bê tông từ bến đò lên bản, kè mái taluy của khu tái định cư, sân bóng chuyền, kênh thoát nước...
Năm 2018, trong một trận mưa lịch sử, cây cầu treo để người dân các bản Phé, Bá, Mí (xã Phú Xuân) đi ra trung tâm xã bị cuốn trôi, chủ đầu tư thuỷ điện Hồi Xuân hứa sẽ hoàn trả cây cầu cho người dân đi lại. Tuy nhiên, đã 12 năm qua, những lời cam kết vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân vẫn chưa được nhận bồi thường.
Ông Cao Thanh Bình (bản Sa Lắng, xã Phú Xuân) nói: “Trước khi di dời lên khu tái định cư, người dân được chủ đầu tư cam kết, sẽ kè taluy dương chống sạt lở từ vách núi, taluy âm để không sạt xuống sông Mã.
Kèm theo đó là làm nhà văn hóa bản, đường bê tông từ bến đò lên bản, đường đi nghĩa địa, sân bóng chuyền, hệ thống kênh thoát nước... Nhưng rồi sau đó, thủy điện không thi công nữa”.
Gia đình ông Hà Văn Hồng (bản Phé) là một trong số hộ dù đã nhận tiền nhưng vẫn chưa thể đến nơi tái định cư. Trong khi đó nhà cũ thì không thể sửa chữa, cơi nới. Ông cho biết, ông và nhiều gia đình khác “đi không được, ở chẳng xong” do đường giao thông tránh ngập thuỷ điện Hồi Xuân hiện chưa được mở.
Phó Bí thư bản Phé Hà Văn Tuấn cho biết: “Toàn bản có 46 hộ thuộc di dời nhưng hiện nhiều hộ chưa thể đi, có 8 hộ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường do thời điểm đó đang thắc mắc chưa thống nhất giá đền bù thì sau đó đơn vị không còn khả năng chi trả nữa, giờ các hộ có muốn nhận cũng không được.
Hiện người dân cần nhất là cây cầu, không có cầu, dân khổ trăm bề. Bà con nhân dân không thể đi khám bệnh vào ban đêm. Việc vận chuyển cây luồng ra ngoài bán khó khăn. Học sinh tiểu học, mầm non không thể ra điểm chính mà phải học điểm lẻ nhà tranh tre nứa lá. Học sinh THCS, THPT qua sông đi học mỗi ngày nguy hiểm tính mạng…”.
Bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cũng cho biết, dự án dở dang khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn nhiều năm qua. Người dân có ý kiến lên xã rất nhiều và xã cũng truyền đạt ý kiến lên huyện.
Một số công trình mà chủ đầu tư cam kết hoàn trả như 3 trạm y tế, 6 điểm trường và 1 trụ sở UBND với tổng trị giá bồi thường hơn 17 tỷ đồng… Ngoài ra có nhiều tuyến đường giao thông, 1 cây cầu vẫn chưa được thực hiện.
“Địa phương rất mong muốn các hạng mục công trình do thuỷ điện Hồi Xuân cam kết phải được thực hiện như cầu treo của xã Phú Xuân, đối với khu tái định cư Sa Lắng thì bờ kè, taluy âm và taluy dương, nhà văn hoá, sân thể thao, đường vào nghĩa địa… Bên cạnh đó, chi trả đầy đủ tiền đền bù cho các hộ dân”, bà Tuyết nói.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại