Ghi nhận tại một số địa phương thuộc huyện miền núi của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hầu hết, đường dây điện sau công tơ người dân tự nối còn vô cùng tạm bợ và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm lớn. Những dây điện chằng chịt, chồng lên nhau như nhện giăng tơ, cột điện làm bằng tre lâu ngày bị mục nát có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.
Dây điện như nhện giăng tơ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. |
Không khó để bắt gặp cảnh tượng dây điện như “mạng nhện” được mắc tạm bợ trên những cột gỗ, cột tre ở các xã như Luận Khê, Xuân Thắng, Xuân Lộc, Xuân Lẹ, Xuân Chinh (huyện Thường Xuân). Một số cây cột lâu này bị xiêu vẹo, ngã đổ xuống đường hay trên những cánh đồng lúa.
Dây điện mắc tạm bợ trên những thân cây. |
Theo phản ánh của người dân địa phương, mỗi khi mưa bão, việc cột điện đổ gãy, dây điện bị đứt, rò rỉ là chuyện thường hay xảy ra và thực trạng này tiếp diễn đã nhiều năm nay. Chúng như những cái bẫy “tử thần” không chỉ rình rập con người, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn với cả đàn gia súc.
Ông Lang Văn Út (xã Luận Khê, huyện Thường Xuân) cho biết: “Từ khi có điện sáng, chúng tôi cũng chỉ dùng cây luồng hay những cọc gỗ làm cột điện để kéo dây về nhà. Nhà nước mang điện đến bản là tốt lắm rồi, còn nối về nhà thì mình phải tự làm. Cứ cột nào gãy đổ thì lại thay bằng cột khác”.
Đường dây nguy hiểm cho cả người lẫn vật nuôi. |
“Chuyện gãy đổ thì xảy ra thường xuyên, có khi không phải do mưa gió gì, do trâu bò húc vào là cột lại gãy, chúng tôi cũng muốn làm cột bê tông cho chắc chắn nhưng lại không có tiền. Bà con ở đây vẫn còn khó khăn lắm”, ông Út nói thêm.
Những cột điện tự chế tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Ông Cầm Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Luận Khê cũng cho hay: “Do cuộc sống người dân phần nhiều còn khó khăn, chưa có điều kiện kinh tế nên chưa thể làm đồng bộ cột điện bằng bê tông vững chắc được, chủ yếu do bà con tự nối, tự kéo bằng những cột tre. Tai nạn về người thì chưa xảy ra, nhưng cách đây không lâu cũng từng có vụ việc một con trâu bị điện giật chết do dây điện đứt rơi xuống ruộng lúa. Chúng tôi cũng rất trăn trở làm sao để bà con được sử dụng đường điện an toàn hơn”.
Theo báo cáo của phía Điện lực huyện Thường Xuân, phần dây dẫn sau công tơ là tài sản của người dân, thuộc trách nhiệm sửa chữa, quản lí của người dân, không thuộc tài sản bàn giao cho ngành điện. Theo ghi nhận thực tế, đường dây do người dân tự chế không đảm bảo an toàn, kĩ thuật. Trước thực trạng này, ngành điện cũng đã báo cáo với chính quyền các cấp để tuyên truyền nhân dân có kế hoạch thay thế, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn hơn.
Tác giả: Lương Thị
Nguồn tin: antt.vn